Hàng triệu người Mỹ phải chật vật chống chọi đợt bão tuyết Elliott càn quét khắp cả nước dịp Giáng sinh, khiến hệ thống điện và giao thông nhiều nơi tê liệt. Phạm vi ảnh hưởng của cơn bão gần như chưa từng có, trải dài từ Ngũ Đại Hồ gần Canada đến Rio Grande dọc biên giới với Mexico.
Thành phố Buffalo, bang New York, là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do bão tuyết Elliott, với gió mạnh và tuyết rơi dày gây tình trạng mất điện, làm tê liệt các nỗ lực ứng phó khẩn cấp.
Đối với nhiều người Việt sinh sống tại Buffalo, Giáng sinh trong bão tuyết năm nay là dịp "nhớ đời". Vũ Nguyễn, 47 tuổi, chủ nhà hàng Pho Latern ở Buffalo, cho biết mọi hoạt động đều đình trệ giữa bão tuyết, ảnh hưởng nặng đến các hộ kinh doanh.
"31 năm sống tại Mỹ, đến giờ tôi mới thấy bão tuyết lớn vậy. Lần đầu tiên nhà thờ ở đây không mở cửa đêm Giáng sinh và lễ chủ nhật hôm sau", anh nói với VnExpress.
Nguyễn Hữu Quang Minh, nhà sản xuất sáng tạo ở New York, kể rằng khi Elliott tràn tới, cơn mưa hóa thành bão tuyết trong chớp mắt, nhiệt độ đột ngột giảm sâu xuống -13 độ C chỉ trong vỏn vẹn hai tiếng, khiến nhiều người không kịp trở tay.
Thống đốc New York Kathy Hochul gọi Elliott là "cơn bão tàn khốc nhất trong lịch sử Buffalo". Sáng 25/12, đường phố chìm trong lớp tuyết dày đặc, có nơi tuyết phủ gần hai mét, chôn vùi nhiều phương tiện. Ít nhất 16 người trong thành phố đã thiệt mạng, một số thi thể được phát hiện trong những chiếc xe bị mắc kẹt hoặc bị tuyết chôn vùi. Trên toàn nước Mỹ, ít nhất 34 người thiệt mạng do bão tuyết.
Do đường sá tê lệt, các nhà thuốc đóng cửa vì bão tuyết, nhiều người cần các loại thuốc khẩn cấp như insulin phải lên tiếng cầu cứu. Khổng Trung, kỹ sư vi tính sống tại thành phố Buffalo, cho biết nhiều người Việt đã lập các hội nhóm kêu gọi hỗ trợ nhau trên Facebook.
"Nhiều người có sẵn thuốc đã sẵn sàng san sẻ cho những bệnh nhân cần hơn giữa tình cảnh khó khăn", anh Trung nói. "Nếu họ không thể di chuyển, những người có xe chạy tuyết chuyên dụng sẽ đến lấy và đem tới cho người cần".
Ly Uyên, vợ anh Trung, làm việc tại một bệnh viện ở Buffalo, cho hay chị vẫn chưa hết kinh hoàng khi chứng kiến cảnh ôtô chết máy la liệt trên đường khi tan ca một ngày sau đêm Giáng sinh.
"Hơn ba thập kỷ sống tại Buffalo, tôi chưa từng thấy khu chợ Wegman gần nhà đóng cửa quá một ngày, song nay đóng cửa tới 4 ngày do bão tuyết", chị Uyên nói. "Các trạm xăng mở cửa 24/24, nhưng nhà thuốc, chợ đều không có lối vào vì tuyết chất đống quá cao".
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ ước tính khoảng 60% người dân nước này chịu ảnh hưởng từ bão Elliott. Trước đó, Poweroutage, dự án theo dõi tình trạng điện ở Mỹ, cho biết trong cùng một thời điểm hôm 24/12, gần 1,7 triệu người dân không có điện giữa cái lạnh cắt da cắt thịt.
"Trên các hội nhóm, nhiều người sẵn sàng chia sẻ mã khóa vào nhà, để những người mắc kẹt ngoài đường có thể vào trú tạm, đồng thời chỉ chỗ để thức ăn", anh Trung kể.
Gia đình anh Trung, chị Uyên trước đó đã đổ đầy xăng cho ôtô, máy xúc tuyết, máy phát điện, sạc sẵn pin cho các thiết bị điện tử, dự trữ thức ăn đủ vài ngày, nhưng vẫn bất ngờ trước sức mạnh của trận bão tuyết.
"Do mất điện, một số nhà phải bật bếp ga để sưởi, nhưng sợ thán khí nguy hiểm nên phải thay nhau thức canh chừng", chị Uyên nói. "Nhà tôi cũng phải lội qua tuyết ngập tới eo để thông ống thoát khí bên hông nhà, tránh hít ngược khí độc".
Anh Trung cho biết hàng xóm của hai vợ chồng là một cụ bà, thường ngày vẫn tự xúc tuyết, nhưng sáng nay do tuyết quá dày, những người xung quanh đã sang ủi tuyết giúp cụ. "Trời lạnh cắt da cắt thịt, nhưng tình người vẫn ấm áp và nồng nàn", anh nói.
Bão Elliott được dự báo sẽ suy yếu dần khi tiến chậm về phía đông nam Canada trong vài ngày tới. Tuy nhiên, khi không khí lạnh tiếp xúc với vùng nước ấm tại Ngũ Đại Hồ, hiện tượng bão tuyết vẫn có thể tiếp diễn.
Điện và hệ thống sưởi ấm đã dần được khôi phục trên khắp nước Mỹ. Poweroutage cho biết đến ngày 26/12, chỉ còn khoảng 100.000 khách hàng chưa có điện trở lại. Nhà cung cấp điện PJM Interconnection tuyên bố có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện của người dân, kể cả vào giờ cao điểm.
"Vợ chồng tôi đã trải qua nhiều trận bão tuyết trong đời, nhưng đây đúng là cơn bão 'một thế hệ có một lần'. Dù vậy, nước Mỹ đã xử lý bão tuyết rất tốt, nhịp sống vài ngày tới sẽ trở lại bình thường", chị Uyên bày tỏ tin tưởng.
Đức Trung