Mỗi năm, tôi có thể đặt ba cuộc hẹn để thảo luận về nấc thang nghề nghiệp của mình.
Trong buổi hẹn đầu tiên, tôi hỏi làm thế nào để tìm được một người cố vấn hoặc một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm có thể hướng dẫn tôi qua từng bước trong sự nghiệp. Tôi cảm thấy nhỏ bé trong một công ty có hơn 20.000 nhân viên, với lực lượng lao động phân bố toàn cầu. Thêm vào đó, tôi bắt đầu công việc ở giai đoạn cuối của các chính sách làm việc tại nhà sau đại dịch. Tôi cảm thấy cô độc và mất phương hướng.
Susan, một chuyên gia nhân sự, gợi ý rằng tôi nên coi mục tiêu tìm người cố vấn như là cơ hội mở rộng mạng lưới (network) của mình. Cô khuyên tôi tham dự các sự kiện nội bộ, bắt chuyện với người thuyết trình và những người tham dự khác.
Khi thấy tôi có vẻ lúng túng về cách bắt chuyện, Susan gợi ý dùng lời mở đầu: "Những gì anh/chị đã nói về XYZ thực sự gây ấn tượng với tôi". Tôi cũng có thể dùng câu này khi viết email, rồi hỏi họ xem có thể dành cho tôi một cuộc trao đổi ngắn để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề. Trong cùng công ty hay lĩnh vực, những kết nối ban đầu đó sẽ dần đưa họ trở thành người cố vấn cho tôi, cả trong công việc và cuộc sống. Họ cũng có thể kết nối tôi với các đồng nghiệp, đối tác kinh doanh và những cơ hội mới.
Tôi lúc bấy giờ vừa hoàn thành bậc học tiến sĩ, chưa quen với việc xây dựng mạng lưới trong môi trường chuyên nghiệp. Bắt chuyện với người lạ thường là phần khó nhất. Sau đó, viết một email tiếp nối câu chuyện với người ta, tìm hiểu lợi ích và các mối quan tâm chung... cũng đòi hỏi "sự can đảm". Vượt qua được các trở ngại ban đầu này mới có thể nói đến chuyện duy trì mối quan hệ lành mạnh và lâu dài.
Ý tưởng "sức mạnh của các mối quan hệ yếu" (Strength of Weak Ties) dần trở lại và thuyết phục tôi khi tôi kết nối với các chuyên gia khác. Nhà xã hội học Mark Granovetter giới thiệu khái niệm này để mô tả cách bạn của bạn, những người không có mối quan hệ trực tiếp với chúng ta, nhưng có thể đóng vai trò then chốt trong việc giúp ta kiếm được một công việc, đạt được một thỏa thuận kinh doanh hoặc thăng chức. Nghiên cứu cho thấy việc thiết lập, sau đó là nuôi dưỡng các mối quan hệ yếu vẫn có thể hữu dụng cho một người vào thời điểm nào đó trong tương lai.
Gần đây, tôi tham dự một số sự kiện với sinh viên đại học và các bạn trẻ ở Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi nhận ra các bạn trẻ Việt Nam không gặp vấn đề gì khi bắt chuyện. Họ cũng nhanh chóng bổ sung tôi vào danh sách theo dõi trên Facebook và LinkedIn. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Tôi không nhận được các kết nối xa hơn. Trong khi với sự kiện tương tự ở các nơi khác, tôi nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ. Thông thường, tôi sẽ sẵn sàng cho một cuộc trao đổi ngắn hoặc chỉ cho các bạn nơi có thể tìm thông tin cần thiết.
Vài tuần trước, tôi dự International Conference on Learning Representation, một hội nghị học thuật hàng đầu về Trí tuệ Nhân tạo tại Vienna, Áo. Một số nhà nghiên cứu AI cho tôi biết họ có gặp các đồng nghiệp trẻ từ Việt Nam và có thảo luận ngắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam không hề "follow-up". Trong khi nhà nghiên cứu từ nước khác thường thẳng thắn đề cập đến việc hợp tác hoặc tiếp tục các trao đổi trong tương lai. Quan sát này có lẽ cũng tương tự những trải nghiệm gần đây của tôi.
Tôi thấy có những lý giải là do người Việt vốn nhút nhát hoặc không được khuyến khích nói về sở thích và hoài bão của bản thân. Nhưng có lẽ không hẳn. Từ những cuộc trò chuyện với các kỹ sư học máy ở Việt Nam, tôi thấy họ rất thông minh, có hoài bão, động lực, thường chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc họp với nhiều câu hỏi sắc bén. Điều họ thiếu chủ yếu là một cách giao tiếp hiệu quả, giúp tạo ra mối quan hệ lâu dài với các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia thế giới.
Tôi đã rất chú ý làm theo hướng dẫn của Susan, tham dự sự kiện nội bộ do các phòng ban khác tổ chức. Tôi dành thời gian cho những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp khác để tìm hiểu về sở thích, công việc, thách thức và cơ hội hợp tác của họ. Cách này giúp tôi thấy gắn kết hơn với đồng nghiệp và công ty.
Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ khác cũng chịu khó bắt chuyện với người lạ, sau đó duy trì và nuôi dưỡng để mối quan hệ đó bền chặt hơn. Những cuộc trò chuyện nhỏ (small talks) thay đổi chúng ta một cách tinh tế, có thể mang lại những lợi ích nhất định về cả chuyên môn và đời sống xã hội.
Kỹ năng mềm trong việc thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ chắc chắn sẽ rất cần thiết cho giới trẻ trong việc nắm bắt các cơ hội trong một thế giới mà con người ngày càng dễ xích lại gần nhau bởi sự phong phú và sẵn có của các phương tiện giao tiếp.
Thân Hạnh Nga