Tôi cố gắng giải thích người Việt thấp bé nhẹ cân nên khó cạnh tranh với người phương Tây hay châu Phi về thể thao, nhưng nhanh chóng bị con cãi lại: môn bắn súng hay bắn cung đâu nhất thiết phải quá cao to, và người Hàn Quốc - châu Á như chúng ta - đang thống trị hai môn thi ấy.
Khi chúng tôi nói chuyện này, thì trước mắt, trên màn hình TV, Carlos Yulo - người Philippines - vừa giành Huy chương vàng môn thể dục dụng cụ - môn thi không phù hợp với những anh chàng khổng lồ lực lưỡng. Khỏi tranh cãi thêm, phần thắng vì thế nghiêng hẳn về phía con gái tôi.
Chưa kể đến Olympic - nơi mà nửa chặng đường của kỳ Thế vận hội này đã qua và niềm hy vọng có huy chương thôi cũng quá mong manh - thì ở các kỳ Á vận hội (ASIAD) vừa qua, Việt Nam cũng rất khó kiếm huy chương. Vậy, Olympic nào cho người Việt?
Tính đến 3/8, người Hàn đã giành được ít nhất bốn huy chương vàng (trong tổng số 5 nội dung thi đấu) của môn bắn cung tại Thế vận hội. Ngoài ra, họ cũng đứng trên bục cao nhất ít nhất ba lần trong tổng số 15 nội dung của môn bắn súng - trong đó có chiến thắng trước hy vọng vàng Trịnh Thu Vinh của Việt Nam. Cần nhắc thêm rằng thầy của Trịnh Thu Vinh cũng là một người Hàn và chính ông đã đóng góp vào kỳ tích một HCV và một HCB của Việt Nam tại Thế vận hội Rio 2016.
Trong nhiều kỳ đại hội liên tục, bắn cung là môn thể thao thế mạnh vượt trội của Hàn Quốc, bắn súng cũng thường đóng góp huy chương vàng nhưng từng thất bại hoàn toàn tại Thế vận hội Tokyo 2020.
Năm nay, sau nhiều sự điều chỉnh tập trung vào thế mạnh của mình, Hàn Quốc tiếp tục thống trị môn bắn cung và trở lại mạnh mẽ với môn bắn súng. Ngoài ra, nước này cũng đang gây sốc với hai HCV môn đấu kiếm - một môn đòi hỏi sự nhanh nhẹn và dẻo dai hơn là sức mạnh. Nói cách khác, thể thao Hàn Quốc tại Olympic có chiến lược rất rõ ràng, bên cạnh tinh thần thể thao Olympic, với một sự tính toán thành tích dựa trên những thứ có thể tạo nên thương hiệu của quốc gia này và tránh các cuộc ganh đua về sức vóc.
Trở lại với Việt Nam những năm đầu hội nhập trở lại với đấu trường khu vực, tôi nhớ rõ tên từng vận động viên đoạt huy chương vàng ở mỗi kỳ SEA Games trong thập niên 1990 - vì chúng ta thường kiếm được thành tích quá nhọc nhằn, và cũng hiếm hoi. Cho đến khi ông Hoàng Vĩnh Giang - cố lãnh đạo của Ủy ban Olympic Việt Nam - đưa ra chiến lược với chín chữ vàng (đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công), vị trí của Việt Nam trên đấu trường SEA Games đã hoàn toàn thay đổi.
Với đấu trường đã được chuẩn hóa và uy tín như Thế vận hội, "đi tắt, đón đầu" bằng việc thêm những môn thể thao ít phổ biến vào nội dung thi đấu là không thể, nhưng nhìn ra thế mạnh của mình - trong các đặc điểm sinh học, xã hội - là điều cần thiết. Việc "lấy nữ làm chủ công" trong bối cảnh các nước Đông Nam Á với nhiều quốc gia còn khắt khe với phụ nữ là một ví dụ về việc tìm ra được thế mạnh của mình trên trường quốc tế. Nay với bối cảnh toàn cầu, thế mạnh của Việt Nam khi chơi thể thao là gì? Đó là câu hỏi mà những nhà quản lý thể thao - một mảng quản lý xã hội của đất nước - phải có lời giải.
Kế đến, thể thao thành tích cao là đỉnh của kim tự tháp về các hoạt động thể thao. Số lượng và chất lượng hoạt động thể thao thường xuyên trong xã hội sẽ dẫn đến chất lượng của thể thao thành tích cao. Môn Judo với Pháp là một ví dụ. Thành tích của đội tuyển Pháp cho đến lúc này là hai HCV và nhiều HCB cùng HCĐ, chỉ xếp sau Nhật - nơi khai sinh và có số lượng tập luyện môn võ này nhiều nhất. Đáng nói là trong thành tích của tuyển Pháp, có nhiều trận thắng trực tiếp trước các đối thủ đến từ xứ sở mặt trời mọc. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi Judo là môn thể thao được ưa chuộng trong các học đường Pháp và sân tập Judo có mặt khắp các địa bàn dân cư. Môn bắn cung, ngoài sự phù hợp về đặc điểm con người Hàn Quốc, còn là môn thể thao phổ biến trong học đường. Nói cách khác, thể thao học đường là cái nôi của thể thao thành tích cao.
Theo tôi biết, Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Việt Nam đã được xây dựng và đang trong quá trình chờ phê duyệt.
Hành trình mong ngóng huy chương có phần vô vọng của Việt Nam tại Olympic Paris 2024 một lần nữa lại cho thấy sự cần thiết có hoạch định chiến lược thể thao mũi nhọn khôn ngoan và phù hợp với người Việt, gắn với việc phát triển chân đế là thể thao học đường.
Võ Nhật Vinh