Nếu xét một cách khách quan, trong tư duy người Việt chúng ta xem vai trò của con gái - con trai là bằng nhau. Nếu xét kỹ hơn thì con gái đôi khi còn trội hơn một chút.
Đầu tiên là trong tư duy ngôn ngữ. Những cái gì tốt đẹp nhất, to nhất hầu như đều nhà những "danh từ giống cái": đũa cái, nhà cái, thợ cái... Những câu ca dao, tục ngữ cũng vậy, thường đặt giống cái với vị trí nhỉnh hơn. Đơn cử trong việc sinh đẻ, có câu: "Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng".
Trong các gia đình hiện đại, tôi cũng thường thấy các ông bố khắng khít với con gái hơn là con trai. Con đầu lòng họ cũng mong là con gái như câu vừa dẫn chứng ở trên. Mà không nói đâu xa, ngay ở gia đình chúng ta, người giữ tiền bạc, chi tiêu... cũng thường là người vợ, người mẹ chứ hiếm khi là đàn ông.
Thỉnh thoảng, tôi lại thấy vấn đề trọng nam khinh nữ được nhiều người nhắc đến. Những điểm chung của điều này thường xảy ra ở một gia đình (thường là nông thôn) nào đó có người bố tư duy cổ hủ, lạc hậu. Họ luôn dằn vặt người vợ "không biết đẻ con trai", gọi những đứa con gái của mình là "vịt giời", ép người vợ đẻ 3, 4 đứa con đến khi nào kiếm được con trai mới chịu ngừng...
>> 'Trọng nam khinh nữ' khiến nhiều cha mẹ bán nhà trả nợ cho con trai
Những biểu hiện của trọng nam khinh nữ là: thương yêu, chiều chuộng con trai một cách thái quá, dù cậu ta lâm vào tệ nạn cờ bạc cũng tha thứ, sẵn sàng bán nhà, bán đất để trả nợ... đôi khi còn ép buộc những đứa con gái gánh nợ thay anh/ em trai... Hoặc đàn bà con gái ăn uống phải ở nhà dưới, đàn ông không có con trai khi ra nhà thờ họ, đình làng ăn cỗ cũng phải ngồi chiếu dưới.
Tuy nhiên, những biểu hiện trên, giờ tôi cũng chỉ thấy trong những bộ phim. Tôi đồ rằng các nhà sản xuất đã vay mượn một số điểm có thực ở ngoài đời, cá biệt ở một gia đình nào đấy để làm hình tượng tượng trưng khi lên phim mà thôi.
Bảo Long
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.