Năm 2018, nữ sinh người Phú Yên xin được học bổng 100% học phí từ ngôi trường công lập Lincoln High School. Ban đầu em vẫn được xếp vào lớp 10 cùng các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, sau buổi học đầu tiên, Nghi nhận thấy những kiến thức đang học tương đối dễ, em chủ động ở lại cuối giờ để trao đổi với giáo viên về việc xin học vượt. Khi làm bài kiểm tra do giáo viên đưa ra, Nhật Nghi đã vượt qua. Trường hợp của em được trình lên ban giám hiệu. Sau đó, nhà trường cho Nghi làm bài kiểm tra tổng quan một lần nữa và em được chấp thuận học vượt hai lớp.
Năm 2020, Nhật Nghi trúng tuyển UCLA với mức hỗ trợ tài chính 65.000 USD (1,5 tỷ đồng) một năm, chưa gồm chi phí sinh hoạt. Nhờ những tín chỉ tích luỹ được khi học bằng kép tại trường cao đẳng cộng đồng, Nghi được chuyển tiếp sang học năm thứ ba tại UCLA.
Giáo sư Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (USF), kể năm 2018 một phụ huynh người Mỹ dẫn con trai của mình đến phòng thí nghiệm của anh để tìm hiểu thêm về lĩnh vực Vật lý. Cậu bé có gương mặt sáng, tên là William Maillis, sau đó trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất trong lịch sử của USF, khi mới 11 tuổi. Bố cậu bé cho biết con trai đã làm toán cơ bản khi hai tuổi, học đại số khi lên bốn. Năm 11 tuổi, William tốt nghiệp cao đẳng cộng đồng và nhập học đại học, dự định sẽ lấy bằng tiến sĩ năm 18 tuổi.
Tuy nhiên, việc học vượt tuổi không phổ biến và thường không được khuyến khích, theo GS Phan Mạnh Hưởng.
Tại Mỹ, tùy bang, học sinh vẫn được phép chọn tốt nghiệp sớm để chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn, nhưng con số này chỉ khoảng 1-2%. "19 bang lấy tháng 9 làm mốc để học sinh nhận lớp. Nếu bé sinh trước tháng 9 sẽ học đúng độ tuổi, sinh sau tháng 9 sẽ học lùi một lớp. Điều này giúp trẻ phát triển đồng đều hơn về thể chất, tâm lý và khả năng học tập ở bậc đại học - theo một khảo sát gần đây", ông nói.
Tại New Zealand, hai chị em Vicky Ngo và Alisa Phạm được biết đến là những tài năng gốc Việt. Năm 2018, Vicky Ngo sang New Zealand học lớp 7 và được chuyển vượt cấp lên trường phổ thông sau một năm, rồi vào đại học khi 13 tuổi (năm 2020). Em gái Alisa cũng trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất Đại học Công nghệ Auckland, khi 11 tuổi. Tuy nhiên, quy trình để được xét học vượt cấp không dễ dàng, học sinh cần được xem xét cụ thể và được sự đồng ý của Bộ trưởng Giáo dục New Zealand. Người mẹ nuôi của Vicky Ngo và Alisa Phạm đã từng viết hơn 1.000 email để hai con được học vượt.
Ở Singapore, học sinh xuất sắc có thể học vượt cấp với điều kiện được sự đồng thuận từ nhà trường, Bộ Giáo dục và Chương trình giáo dục cho học sinh xuất sắc, theo Strait Times.
Từng làm việc ở Đức, Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), PGS Lưu Trần Trung cho biết ở Đức và Thụy Sĩ, anh không gặp trường hợp học sinh học vượt cấp, nhưng ở Đại học Hong Kong, nơi anh đang giảng dạy, có sinh viên vào trường khi 16 tuổi. Theo PGS Trung, trường không quan tâm việc học sinh có học vượt hay không, miễn là học sinh có đủ các chứng chỉ, bằng cấp cần thiết để xét duyệt vào đại học. "Nhưng đây vẫn là những trường hợp cá biệt", PGS Trung nói.
Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh tiểu học được học vượt lớp từ năm học 2020-2021. Theo Thông tư 28 năm 2020 về điều lệ trường tiểu học, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Sau khi cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị, nhà trường sẽ khảo sát, tư vấn và báo cáo phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Một lãnh đạo Vụ Tiểu học của Bộ cho biết đến thời điểm này chưa có thống kê về số học sinh ở Việt Nam học vượt lớp. Năm 2022, dư luận mới biết đến trường hợp của em Lữ Hoài Thương (sinh năm 2014) - học sinh duy nhất tại tỉnh Đồng Tháp được học vượt từ lớp 1 lên lớp 3.
Một phụ huynh Việt có con học vượt từ lớp 3 lên lớp 5 tại Mỹ chia sẻ thường các em sẽ cảm thấy không còn hứng thú với các bài học trên lớp. Do đó, ngoài việc phát hiện khả năng và đồng hành cùng con, việc kết hợp giữa phụ huynh với thầy cô và nhà trường để bồi dưỡng cho các em rất quan trọng.
Trả lời VnExpress hồi đầu tháng 12/2022, thầy Lê Hữu Hiền, Hiệu trưởng Tiểu học Ngô Thì Nhậm, nơi em Lữ Hoài Thương đang theo học, cho hay hiện tại Thương học tốt chương trình lớp 5 với thành tích luôn trong top đầu lớp. Dù vậy, nhà trường vẫn giao giáo viên thường xuyên theo dõi để nắm được "tình hình tâm sinh lý của em".
GS Phan Mạnh Hưởng cho biết, với trường hợp của William Maillis, bố em đã dành nhiều thời gian đồng hành, sát sao dạy con mọi thứ thiếu hụt. Ông vừa là bố, vừa là bạn, vừa là giáo viên. Bình thường William cũng thích các trò chơi đúng lứa tuổi, chỉ khi "đụng" vào thiên văn, em như một con người khác. "Có thể học sinh vượt trội về kiến thức một chủ đề, môn học, lĩnh vực nào đấy nhưng vẫn là một đứa trẻ cần thời gian để trưởng thành", GS Hưởng nói.
Theo quan sát của GS Hưởng, nhiều học sinh phát triển vượt trội về học tập thường yếu kỹ năng đời thường, còn được gọi với cụm từ "gà công nghiệp", như không biết giao tiếp, tự chăm sóc bản thân hay làm việc nhà. Ông từng chứng kiến một học sinh trường chuyên khủng hoảng tâm lý sau khi thất bại trong một cuộc thi vòng loại Olympic, đến 1-2 năm sau mới vực lại tinh thần để học tập bình thường. Lấy hình tượng một ngôi nhà được xây quá nhanh, có thể lún sập bất cứ lúc nào, ông cho rằng, không ít trường hợp "không có tuổi thơ" vì quá tập trung học vượt với chương trình nặng, khó.
PGS Lưu Trần Trung cho rằng, phát triển giáo dục trong tương lai là cá nhân hoá. "Mỗi bạn sẽ có một tốc độ riêng, chắc chắn có bạn tốc độ nhanh hơn các bạn khác nhiều, có bạn thích học đại học, có bạn thích học nghề", PGS Trung nói. Ông cho rằng nên có chương trình và nguồn lực giúp đỡ học vượt cấp, học theo tốc độ riêng, kèm hệ thống phát hiện, giám sát, đồng hành để theo dõi các em có đủ sức học vượt và ổn định về tâm lý.
Học vượt hai lớp tại Mỹ giúp Nhật Nghi tiết kiệm được 120.000 USD (2,8 tỷ đồng) tiền sinh hoạt và học phí, chưa tính học bổng em được nhận. Từ đó, em rút ngắn thời gian học để thực tập, chuẩn bị cho công việc tương lai. Song, việc học vượt cũng gây ra một số khó khăn, như ít có bạn bè ở trường đại học, dễ bị xa lánh nên dần thu mình, sợ đám đông, ngại giao tiếp, thậm chí chán học. Việc học trước tuổi còn đòi hỏi sự tập trung cao, dễ học lệch. Ngoài ra, nếu các em tốt nghiệp đại học khi còn quá trẻ, nhiều công ty "không dám nhận" do không đủ tuổi lao động, đủ sức lực hoặc nhận thức để làm việc.
GS Phan Mạnh Hưởng lưu ý không nên học vượt lớp với khoảng cách quá lớn vì sẽ tạo nên sự chênh lệch tâm sinh lý và thể chất. "Một người thành công, đánh giá cả chặng đường cần có sự cân bằng trong cuộc sống", GS Hưởng nói.
Lệ Thu