Tổ tiên ta sống rất thân thiện với môi trường và tạo ra rất ít rác thải. Những điều thú vị về cuốn sách khiến tôi nhớ ngay đến mẹ mình - bà đang ở Na Uy và cách mà bà bắt nhịp với những quy tắc sống thân thiện với môi trường mà nhà nước Bắc Âu này cổ vũ.
Khi trò chuyện với mẹ, bà lập tức đã liên tưởng ngay: Không như ở Việt Nam, chỉ hơn 30.000 đồng là có ngay một cân túi nhựa tiện lợi các loại để mua bán hàng, đựng đủ các loại hàng hóa; tại Na Uy loại túi nhựa như thế có giá rất đắt, đắt đến mức đủ để chùn tay người tiêu dùng.
Ngay cả mua nước uống đóng chai, mình cũng phải trả một khoản đặt cọc cho phần chai nhựa; đem vỏ chai tới "các máy bán hàng ngược" tại các siêu thị, nhét vỏ chai vào sẽ lấy lại tiền cọc
Bà mẹ quê sinh ra tôi kể, ngày xưa ông bà tổ tiên ta sống rất thân thiện với môi trường và tạo ra rất ít rác thải. Nhiều năm trước người Việt gói hết mọi thứ bằng lá, phổ biến là lá chuối, gói mớ rau sống, gói đậu nấu chè, gói đường tán để pha nước, gói muối hột, gói mắm ruốc... tất cả đều bằng lá.
Nội của tôi đi chợ bằng đôi quang gánh, mang theo tỉn nhỏ để đựng nước mắm khi đi chợ, ở nhà thì có một cái thạp nhỏ; gạo đựng trong lu, đũa ăn cơm vót bằng tre, các loại vật dụng sinh hoạt, làm bếp hầu hết đều bằng tre, mây (rổ rá, nong nia, thủng mủng...).
Nuôi con heo con bò, con gà con vịt không chỉ để lấy thịt mà còn để tận dụng lượng phân bón tự nhiên vào canh tác, vì thế ông bà ngày xưa không dùng phân bón vô cơ, không biết đến cám tăng trọng; vì thế làng quê ta không bị ô nhiễm, sạch sẽ tinh tươm. Gội đầu bằng nước bồ kết, lá xả, lá xanh. Dùng trái bòn hòn làm xà phòng.
Ngày xưa trồng rất nhiều cây xanh nên trẻ con đi học có thể nép dưới tán cây mà đi. Chính tiêu dùng như thế, sinh hoạt như thế nên ông bà ta gần như không tạo ra rác và những vật thừa dễ dàng phân hủy trong đất chỉ sau vài ba tuần.
Ngay cả thời của mẹ tôi, thay cho quang gánh khi đi chợ bà vẫn mang theo giỏ nhựa để đựng hàng. Còn bây giờ hết thảy đều đựng trong bịch ny lông và tất cả sẽ được nhồi vào một chiếc bì khác to hơn. Xin nhắc lại một chi tiết, để một chiếc túi nylon như thế phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên sẽ phải mất khoảng 1.000 năm.
Với tôi đó là cách thuyết phục rất thông minh. Hóa ra là như thế, như thế có nghĩa đâu cần học hỏi chi đâu xa, chẳng phải tổ tiên ta từng sống cực kỳ tiên tiến, nhân văn đấy ư.
Là một người làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, tôi nhanh chóng hiểu khá trọn vẹn những gì mà tác giả Erin nói về tác động của rác thải nhựa, về ô nhiễm đại dương, về ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên trong cuốn sách "Sống không rác - Thay đổi thế giới từ những điều nhỏ nhất".
Đây là tên tựa đề quyển sách của Erin Rhoads, một cô gái trẻ người Úc đã bắt đầu hành trình sống không rác từ năm 2013.
Nhưng điều khiến tôi thực sự khâm phục là những gì mà cô đã làm khi nỗ lực sống với nguyên tắc - từ giảm thiểu rác thải nhựa đến một cuộc sống không có rác thải hay nói chính xác hơn là một cuộc sống không có rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy, tái chế.
Trong thế giới tự nhiên không có rác. Các loài đều nằm trong hệ sinh thái, phụ thuộc nhau, nuôi dưỡng nhau, tồn tại và phát triển cùng nhau. Hệ thống tuyến tính của cuộc sống hiện đại đã tạo sức ép lên hệ thống tuần hoàn đã có từ thửa khai thiên lập địa, buộc hệ thống ấy lùi lại và dần dần làm biến dạng thế giới tự nhiên.
Điểm dễ thấy nhất là trái với tự nhiên, các sản phẩm do con người tạo ra phần nhiều đều khó xử lý, thậm chí phải mất cả ngàn năm mới phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Rác thải tăng lên quá nhanh, gây ô nhiễm môi trường và chiếm dần bề mặt sự sống trên trái đất.
Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm chính thức công nhận tầm quan trọng của các sáng kiến không rác thải và tuyên bố ngày 30 tháng 3 là Ngày Quốc tế Không rác thải (International Day of Zero Waste), sẽ được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm nay.
Việc đọc sách, việc có Ngày Quốc tế không rác thải khiến tôi nảy ý định thay đổi lối sống của mình. Và tôi đã bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng để đi làm; làm phân compost tại nhà; sử dụng túi vải để đi chợ và từ chối sử dụng các đồ nhựa dùng một lần.
Mỗi người hãy lan tỏa ra gia đình mình, rồi gia đình hàng xóm, rồi cả làng...dần dần chúng ta sẽ có một cộng đồng sống xanh.
Ái Trinh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.