Ngày đầu năm mới, ông Lợi, 65 tuổi, ngồi trong căn nhà nhỏ ở phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, hồi ức về chuyến đi 31 năm trước. Dở chiếc chăn mỏng - kỷ vật sau chuyến phiêu lưu thời trẻ ra ngắm rồi ông lại cẩn thận gấp cất vào tủ.
"Chuyến đi đã cho tôi những trải nghiệm kỳ thú và có thể coi là có một không hai trong đời để khám phá giới hạn của bản thân cũng như những kỹ năng sinh tồn trên biển cả mênh mông", ông Lợi nói.
Ngày 17/5/1993, ông Lợi được nhà thám hiểm Tim Severin (1940-2020, người Ireland) lựa chọn để thực hiện hải trình dự kiến dài khoảng 6.400 dặm, khoảng 10.000 km vượt Thái Bình Dương từ Hong Kong đến Mỹ.
Chuyến thám hiểm được mô tả chi tiết qua cuốn sách The China Voyage (Chuyến du hành Trung Hoa) của Tim Severin, xuất bản bằng tiếng Anh năm 1994. Dịch giả Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch cuốn sách năm 2014, lấy tên Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương.
Mục đích của chuyến đi, theo Tim Severin là muốn kiểm nghiệm lý thuyết cho rằng cách đây khoảng 2.000 năm những người châu Á đã tới được châu Mỹ trên chiếc bè mảng đơn sơ.
Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng về phương thức đi biển của ngư dân ven hai bờ Thái Bình Dương, Tim Severin quyết định đến Sầm Sơn tìm hiểu về chiếc bè luồng của ngư dân dùng để ra khơi đánh bắt hải sản. Năm 1992, Tim thuê thợ địa phương đóng một chiếc thử nghiệm.
20 thợ đóng chiếc bè dài 10 m, rộng hơn 3 m, hoàn thành sau chừng ba tuần. Tim Severin cùng 6 ngư dân lên bè chạy thử 4 giờ trên biển. "Chúng tôi chạy xuôi rồi chạy ngược, Tim quan sát, ghi chép kỹ lưỡng sau đó đánh giá mỹ mãn rồi", ông Lợi thuật lại.
Tháng 9/1992, Tim quay lại Sầm Sơn với quyết tâm đóng chiếc bè hoàn chỉnh để vượt Thái Bình Dương như dự định. Ông Lợi khi đó vừa đi biển vừa làm thợ mộc nên được thuê tham gia đóng bè.
Từ khoảng 500 cây luồng trưởng thành, to đều tăm tắp được lấy ở huyện miền núi Quan Hóa, nhóm thợ lựa được 320 cây phù hợp làm vật liệu chính kết bè cùng với những thanh gỗ xẻ. "Bấy giờ, bờ biển Sầm Sơn giáp chân đền Độc Cước như công xưởng với khoảng 40 thợ làm việc suốt đêm ngày", ông Nguyễn Hữu Hợp, 64 tuổi, một trong số thợ đóng bè, nhớ lại. Mỗi ngày, những thợ như ông Hợp, ông Lợi được trả thù lao một USD.
Từ kinh nghiệm cha ông truyền lại, những người thợ Sầm Sơn đã bào sạch lớp vỏ ngoài thân luồng sau đó ngâm bằng nước lá xoan pha nước vôi để chống mối mọt và đảm bảo độ bền. Họ tỉ mỉ dùng loại sơn được chiết xuất từ cây rừng, quét lên thân luồng để chống rêu, chống thấm khi vượt biển.
Sau khoảng ba tháng, chiếc bè luồng dài hơn 18 m, rộng 4,6 m, nặng khoảng 4 tấn kết bằng ba lớp luồng hoàn thiện. Những cây luồng được chằng buộc hoàn toàn bằng dây mây và lạt tre. Ước tính để hoàn thành phần thân bè, đội thợ đã dùng hết 46 km dây mây, buộc hơn 3.000 mối. Bè còn được thiết kế thêm các khoang ngủ cho thủy thủ đoàn, chỗ để lương thực, bếp nấu, kho dây mây, tre...
"Đời tôi từng kết hàng chục chiếc bè luồng cho ngư dân đi biển, chưa chiếc nào to và chắc chắn như bè vượt Thái Bình Dương của Tim", ông Lợi nói.
>>Cảnh đóng bè Từ Phúc trên bãi biển Sầm Sơn năm 1993
Bè luồng được hạ thủy ngày 16/3/1993. Để đưa nó xuống nước, mấy trăm người vừa kéo, vừa đẩy. Mất chừng 8 tiếng, bè mới trườn ra khỏi bờ. Tim Severin sau đó thuê tàu kéo bè ra Quảng Ninh để lắp cánh buồm, hoàn thiện những chi tiết cuối cùng. Công đoạn ở Việt Nam kết thúc vào ngày 10/4/1993.
Tự nhận khỏe mạnh, nhanh nhẹn và ưa mạo hiểm nên quá trình làm bè cũng như chạy thử, ông Lợi thầm ước sẽ được tham gia chuyến đi vượt Thái Bình Dương. Tim Severin cũng âm thầm tìm kiếm thủy thủ người Việt làm lái trưởng, có thể hỗ trợ cho hải hành dự báo đối mặt nhiều bão giông. Khi được Tim hỏi "Lợi có đi được không", ông lập tức quả quyết: "Tim đi được, Lợi cũng đi được".
Lúc biết mình được tuyển chọn, ông Lợi chạy thẳng về nhà báo tin cho vợ con. Người thân ra sức can ngăn vì lo chuyến đi dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Nguyễn Thị Mọc, vợ ông Lợi, kể đã khóc rất nhiều vì lo cho chồng 33 tuổi đang là trụ cột gia đình, ba con trai còn nhỏ, nhưng cuối cùng "không ai cản được ông ấy".
Chia tay vợ và ba con thơ, ông Lợi làm hộ chiếu rồi hăm hở lên chuyến bay đến Hong Kong theo lời hẹn với Tim. Chiếc bè luồng sau khi hoàn thiện ở Quảng Ninh được Tim thuê tàu chở đến Hong Kong - nơi đoàn thám hiểm chọn làm điểm xuất phát đi Mỹ.
Theo ông Lợi, trưởng đoàn Tim và các kỹ sư đã tính toán để vượt qua hải trình khoảng 6.400 dặm đến Mỹ, mỗi người cần mang theo một tấn lương thực, nhu yếu phẩm, trong đó chủ yếu là nước ngọt. Sau khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện, ngày 17/5/1993, ông Lợi cùng những nhà thám hiểm lên chiếc bè luồng được đặt tên Từ Phúc, cắm cờ Việt Nam và Ireland giong buồm bắt đầu hành trình.
Trên chiếc bè có Tim, Joe, Lợi, Mark và Geoffrey Dobbs. Lớn nhất là Tim 53 tuổi, nhỏ nhất là Joe Beynon 28 tuổi. Mỗi người một nhiệm vụ. Tim là đoàn trưởng, còn ông Lợi với kinh nghiệm đi biển dày dạn được giao làm lái trưởng.
Khó khăn lớn nhất với ông Lợi là giao tiếp bởi "một chữ tiếng Anh không biết". Những ngày đầu, ông nói chuyện với thủy thủ đoàn bằng cử chỉ. Tim sau đó đưa một cuốn từ điển và giao cho Joe kèm ông Lợi học tiếng Anh. Cứ rảnh rỗi hoặc lúc ăn cơm, ông Lợi được dạy ngoại ngữ. Chỉ sau khoảng một tháng, ông "thông thạo loại tiếng Anh bồi".
"Cứ từ ngữ nào liên quan đến hoạt động đi biển và sinh hoạt thường nhật thì tôi ưu tiên học trước", ông Lợi kể.
Bài tiếp: Hành trình 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương trên chiếc bè luồng