Nằm trong số 21 ứng viên Việt Nam giành học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ năm 2021, Mạc Thanh Tuyên, 28 tuổi, quê Hải Phòng, sẽ tới Mỹ vào tháng 8 để bắt đầu chương trình thạc sĩ. Hành trình apply học bổng có tính cạnh tranh khốc liệt, lại đăng ký một ngành chưa từng có người Việt trúng tuyển là trải nghiệm mang đến nhiều kỷ niệm và bài học cho Tuyên.
Sau khi lấy bằng cử nhân theo chương trình tiên tiến của Đại học Ngoại thương và Đại học bang Colorado (Mỹ), Tuyên trở về Việt Nam làm việc. Anh bắt đầu gắn bó với ngành nhân sự từ 2017 với vị trí thực tập sinh tại British American Tobacco - công ty đa quốc gia về sản xuất thuốc lá của Anh. Trong năm năm làm việc, Tuyên lần lượt đảm nhận những vị trí cao hơn, từ đối tác chiến lược nhân sự tại Unilever, một trong những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam; tới vai trò quản lý nhân tài tại Heineken Vietnam.
Khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Tuyên bắt đầu nghĩ tới các giải pháp về nhân sự để tiệm cận với xu hướng thế giới, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả công việc trong đại dịch. Trong quá trình đó, anh thấy mình chủ yếu giải quyết công việc theo cảm nhận, kinh nghiệm cá nhân chứ chưa tự tin áp dụng những mô hình và giải pháp nhân sự được nghiên cứu chuyên sâu. "Tôi nhận ra mình cần đi học. Nếu có nền tảng kiến thức vững chãi, tôi sẽ tạo được giá trị lâu dài hơn", anh nói.
Tuyên chọn Mỹ - quốc gia có thị trường lao động cạnh tranh, nguồn lực đa dạng với những công ty có chiến lược nhân sự sáng tạo hàng đầu thế giới - là điểm đến du học thạc sĩ. Anh bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Fulbright đầu năm 2021, ba tháng trước khi hết hạn.
Tuyên nhận định, bài luận là yếu tố thử thách của bộ hồ sơ. Ban đầu, anh chọn một chủ đề gần gũi với công việc mình đang làm. Nhưng Tuyên sau đó nhận thấy đại dịch khiến sự bất bình đẳng trong thị trường lao động trở nên trầm trọng hơn, tạo ra thách thức với sức khỏe thể chất, tinh thần của nhân viên. Trong đó, nhóm nhân viên thiểu số gồm phụ nữ, người nước ngoài, cộng đồng LGBTQ+... chịu tác động này mạnh hơn người bình thường.
Làm thế nào để bảo vệ nhóm thiểu số, tạo ra những chính sách đảm bảo đời sống an sinh của họ, thúc đẩy doanh nghiệp lấy con người làm trọng điểm... là những vấn đề Tuyên luôn đau đáu trong hai năm đại dịch. "Tôi nghĩ mình cũng cần có trách nhiệm đưa ra tiếng nói và đóng góp cách giải quyết", Tuyên chia sẻ. Anh cho rằng tính thời sự của bài luận cũng là điểm cộng trong hồ sơ du học.
Không có người đồng hành, anh tham khảo bài luận mẫu, theo dõi báo đài và tìm các nghiên cứu về bất bình đẳng trong thị trường lao động. Để bài luận sắc sảo, có chiều sâu và đảm bảo thông tin được đề cập chính xác, anh gặp các chuyên gia trong ngành, xin tư vấn về chuyên môn. Tuyên nhận định, việc làm hồ sơ một mình mà không có cố vấn hay người đồng hành rất áp lực và khuyến khích ứng viên nên tìm lời khuyên, góc nhìn từ những ứng viên đã trúng tuyển.
Khi hoàn thành hồ sơ, Tuyên nghĩ đã qua giai đoạn khó khăn nhưng "hóa ra không phải". "Một tháng chuẩn bị cho vòng phỏng vấn mới là thời gian căng thẳng", anh nhớ lại. Buổi phỏng vấn diễn ra trong khoảng 30-45 phút, Tuyên chuẩn bị theo hai phần, gồm các câu hỏi chung (giới thiệu, sở thích, ưu, nhược điểm...) và câu hỏi liên quan đến bài luận, chuyên môn.
Vì Covid-19, lần đầu tiên buổi phỏng vấn của Fulbright được tổ chức trực tuyến. Theo Tuyên, phỏng vấn trực tuyến khiến việc truyền tải cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể bị hạn chế nên câu trả lời cần sắc bén, súc tích nhất có thể. Gần cuối buổi, hội đồng tuyển sinh đề nghị anh chia sẻ một điều gì đó thể hiện rõ ràng, chính xác con người anh.
"Tôi nghĩ về những gì mình đã trải qua, lý do mình bắt đầu theo ngành nhân sự và mục đích, lý tưởng đưa tôi đến Fulbright", Tuyên kể và đánh giá câu hỏi này là khoảnh khắc đáng nhớ của buổi phỏng vấn.
Tháng 9/2021, Tuyên cùng 20 ứng viên Việt Nam được Hội đồng tuyển sinh thông báo trúng tuyển Fulbright. Riêng ngành Quản trị nhân sự chưa có người Việt nào trúng tuyển trong 30 năm qua do nằm trong khối ngành Kinh doanh - lĩnh vực có tỷ lệ cạnh tranh cao với số lượng lớn đơn ứng tuyển hàng năm. Ngoài ra, giữa những người cùng khối ngành Kinh doanh, ứng viên ngành Nhân sự thường khó làm nổi bật tác động cụ thể của chiến lược quản trị nhân sự lên nền kinh tế cũng như việc trao đổi văn hóa Việt - Mỹ, yếu tố rất được hội đồng tuyển sinh Fulbright quan tâm.
Trải qua quá trình apply, anh rút ra kinh nghiệm: để chinh phục Fulbright, ứng viên cần trình bày các luận điểm thống nhất; thể hiện tầm nhìn mang tính thay đổi cộng đồng, lĩnh vực mình đang theo đuổi và chứng minh Fulbright là "mảnh ghép" phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu.
Là người dạy Tuyên khi anh học năm cuối cử nhân tại Đại học Colorado State, PGS Anders Fremstad đánh giá học trò có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, thường chủ động đưa ra ý tưởng và thảo luận trong lớp. Do yêu cầu học thuật cao, chương trình học tại Colorado là thử thách với mọi sinh viên nhưng Tuyên chứng minh mình có khả năng thích nghi và học tập tại một trường đại học Mỹ khi đạt điểm A+ toàn khóa. "Tuyên là sinh viên có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề. Học bổng này sẽ giúp Tuyên nâng cao trình độ, giúp cậu tìm được giải pháp hỗ trợ những nhân sự đang đối mặt với nghịch cảnh", PGS Fremstad nhận định.
Chàng trai Hải Phòng đang chuyển giao công việc của mình để đến Mỹ vào tháng 8. Trước nghi ngại liệu thời gian du học có khiến anh đánh mất những gì đã gây dựng tại Việt Nam, Tuyên nói: "Chúng ta thường nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và tôi vẫn còn hàng chục năm làm việc phía trước. Muốn đi đường dài, cần đầu tư, cải thiện trình độ. Với kinh nghiệm làm việc đã có, kiến thức bài bản được tiếp cận khi đi học và cơ hội kết nối, học hỏi từ các chuyên gia, tôi tin vẫn có nhiều cơ hội dành cho mình khi trở về".
Thanh Hằng