Đây là số lượng sừng tê giác lớn nhất từng bị tịch thu trong một vụ việc tại Nam Phi.
Hai người Việt, được cho là dính líu đến một đường dây săn bắt trộm quốc tế, đã bị theo dõi từ trước khi bị bắt tại sân bay quốc tế OR Tambo ở thủ đô Johannesburg tối 31/10. Khi đó họ vừa rời nước láng giềng Mozambique và đang trên đường trở về Việt Nam.
Paul Ramaloko, phát ngôn viên đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Nam Phi, cho hay 41 kg sừng tê giác trên tương đương với 20 chiếc sừng và ước tính có giá 360.000 USD.
"Săn bắt trộm tê giác được xem là một vấn nạn quốc gia, vì thế, những kẻ phạm tội này phải bị xử lý nghiêm khắc", ông nói.
Số sừng bị thu giữ có khả năng được lấy từ các con tê giác tại Công viên quốc gia Kruger Nam Phi. Giới chức trách sẽ kiểm tra để xác định nguồn gốc của chúng.
Nam Phi sở hữu ước tính 20.000 con tê giác, nhiều nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, có gần 900 con tê giác đã bị sát hại. Sừng của chúng có thể được bán với giá lên đến 65.000 USD một kg, gần gấp đôi giá vàng, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Những năm gần đây, Nam Phi đã đẩy mạnh các nỗ lực chống săn bắt trộm tê giác bằng việc đầu tư hàng triệu USD vào các thiết bị theo dõi và triển khai hàng trăm binh sĩ dọc biên giới, nhằm phát hiện các nhóm buôn lậu sừng tê giác.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại những biện pháp trên chưa đủ để thắng được niềm tin của nhiều người châu Á rằng sừng tê là biểu tượng cho đẳng cấp và có tác dụng chữa bệnh.
Hai người Việt trên đang bị tạm giam và dự kiến ra tòa lại vào ngày 17/11 tới.
Anh Ngọc