"Như ở nhiều nước trên thế giới, trong lần đầu phong tỏa, người dân ở Australia cũng mất bình tĩnh, đổ xô đi mua bán, vơ vét thực phẩm, đồ ăn ở siêu thị, cửa hàng. Thậm chí, giấy vệ sinh cũng bị vét sạch", chị Hoài Hương, người Việt sống ở thành phố Melbourne, bang Victoria, mở đầu câu chuyện với VnExpress.
Chị Hương cho biết đợt phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái là lần đầu tiên người dân ở Australia trải qua cảm giác bị hạn chế quyền tự do cá nhân và phải tuân thủ nhiều quy định như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 mét với người xung quanh, đóng cửa nhà hàng khách sạn, làm việc từ xa hay không được tổ chức tiệc đông người.
Tuy nhiên, với gia đình chị, lần phong tỏa thứ hai, kéo dài từ tháng 5 tới cuối tháng 10, là giai đoạn khủng hoảng và áp lực nhất. Hoài Hương cho biết chồng chị khi đó công tác ở Queensland và không thể trở về nhà trong hơn 1,5 tháng do đóng biên giới giữa các bang. Chị phải ở nhà và xoay xở mọi thứ cùng hai con.
"Cuộc sống chỉ quanh quẩn ở nhà khiến mọi người cảm thấy căng thẳng, tù túng và buồn chán kinh khủng. Sau đó, nhà tôi phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cùng nhau vượt qua giai đoạn này, như cùng nhau nấu món ăn ưa thích hay chơi đá bóng", chị kể.
Sau lần phong tỏa kéo dài gây ra nhiều thiệt hại cả về kinh tế và tinh thần, chính quyền đã chuyển sang các đợt phong tỏa ngắn khi phát hiện ổ dịch mới. Cụ thể, đợt phong tỏa thứ ba dài 5 ngày vào dịp Giáng sinh 2020, lần thứ tư dài ba tuần vào giữa tháng 5 và lần phong tỏa hiện tại bắt đầu từ giữa tháng 7.
"Tôi thấy cách phong tỏa này hiệu quả hơn khi không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và nền kinh tế như hai đợt đầu tiên", chị nói.
Trong các đợt phong tỏa, người nhiễm nCoV (F0) và người đang chờ kết quả xét nghiệm đều cách ly tại nhà. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những ca Covid-19 có triệu chứng nặng. Người vi phạm cách ly có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù. Chính quyền Victoria đã thiết lập đường dây nóng để cung cấp hỗ trợ thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm cho F0, F1 khi cách ly tại nhà.
Lần phong tỏa thứ năm ở Melbourne ban đầu dự kiến kéo dài từ 16/7 đến hết 22/7, nhưng sau đó phải gia hạn đến hết ngày 27/7 do ca nhiễm mới còn cao. Tuy nhiên, số ca mới ở bang Victoria đã giảm dần trong những ngày qua. Giới chức cho biết hôm qua chỉ ghi nhận 11 ca mới.
Nguyễn Nhung, sinh viên Việt tại Đại học Monash ở Melbourne, mong chờ từng ngày hết giãn cách để có thể quay lại trường học và gặp gỡ bạn bè.
"Hơn một năm rưỡi tôi chưa được về Việt Nam thăm gia đình. Trong khi ở đây, tôi sống một mình nên cũng buồn lắm", Nhung chia sẻ. "Đáng lẽ chúng tôi bắt đầu năm học mới từ tuần này, nhưng phải học trực tuyến tuần đầu tiên vì lệnh giãn cách".
Với quy định giãn cách, người dân chỉ được ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục trong bán kính 5 km, khám sức khỏe hoặc tiêm chủng. Để giết thời gian, Nhung thường đọc sách, xem phim, dọn dẹp nhà cửa hoặc làm bánh.
"Thời tiết bên này đang mưa lạnh cả tuần cộng với giãn cách, nên tôi cũng chỉ ở trong phòng cho ấm thôi", Nhung kể.
Cũng giống như nhiều nước khác, các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của nhiều người lao động. Tuy nhiên, Nhung cho biết chính phủ Australia cũng tung ra các gói hỗ trợ cho người dân bị mất việc vì Covid-19.
"Chính phủ chia hỗ trợ thành hai đợt từ 16-22/7 và từ 23-27/7. Mỗi người sẽ nhận được 375 đôla Australia (gần 276 USD) nếu mất từ 8-20 giờ làm việc trong mỗi đợt. Nếu bị mất hơn 20 giờ, tiền hỗ trợ là 600 đôla", cô nói.
Trong khi Victoria dự kiến nới hạn chế sau ngày 27/7 nhờ số ca nhiễm giảm, tình hình Covid-19 ở bang New South Wales (NSW) vẫn còn phức tạp, theo chị Kim Vương, người Việt sống ở thành phố Sydney.
"Sydney đã bước sang tuần phong tỏa thứ 5, nhưng dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm", chị cho biết. "Có tới 50% số ca nhiễm mới là lây lan trong cộng đồng".
Bang NSW ngày 26/7 ghi nhận 145 ca nhiễm mới, tăng 4 ca so với một ngày trước. Giới chức bang cho biết họ muốn số ca nhiễm mới gần bằng 0 trước khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại Sydney, thành phố hơn 5 triệu người phải sống dưới lệnh phong tỏa một tháng qua. Sydney ban đầu dự kiến phong tỏa đến hết ngày 30/7.
"Một số quy định có thể thay đổi. Chúng tôi cần phải mạnh tay hơn nữa tại một số khu vực và nới lỏng ở vài nơi khác", Thủ hiến Gladys Berejiklian nói.
Cuối tuần qua, khoảng 3.500 người đã xuống đường phố Sydney biểu tình phản đối phong tỏa. Bất chấp các quy định thời Covid-19, đám đông biểu tình tụ tập theo quy mô lớn và gần như không đeo khẩu trang. Giới chức lo ngại cuộc biểu tình này có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm. Thủ hiến Berejiklian cho biết bà cảm thấy vô cùng thất vọng và đau lòng khi thấy đám đông "coi thường chính đồng bào của mình".
Các cuộc biểu tình phản đối hạn chế Covid-19 cũng diễn ra tại Melbourne và nhiều thành phố khắp Australia. Thủ hiến Victoria Daniel Andrews mô tả những người biểu tình là nhóm thiểu sổ ích kỷ.
"Gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở Melbourne xác định sống chung với tình trạng phong tỏa cho đến khi số lượng người tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng", chị Hoài Hương chia sẻ. "Tôi nghĩ trong những lúc như này, mọi người phải bình tĩnh, hỗ trợ lẫn nhau và tuân thủ các biện pháp phòng dịch của chính quyền".
Thanh Tâm - An Phạm