Thiếu thốn lương thực đã thành chuyện thường ngày ở Venezuela. Thế nên, Tabata Soler đã biết cách tìm đến thị trường chợ đen để có nhu yếu phẩm như đường và trứng. Tuy nhiên, khi đột nhiên không có gas để mua mà nấu ăn, cô chẳng biết phải xoay đâu ra gas.
Thế là nhiều ngày liền, Soler đốt củi để nấu nướng cho cả gia đình 12 người. "Tôi chẳng còn lựa chọn nào cả", y tá 37 tuổi này cho biết, "Chúng tôi như quay về quá khứ vậy. Cái thời đun củi nấu súp ấy".
Từng là quốc gia giàu nhất Mỹ Latin, Venezuela giờ chìm sâu trong bất ổn kinh tế và chính trị. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại đây đã gần bước sang năm thứ 4.
*Chó cũng phải ra đường vì khủng hoảng kinh tế ở Venezuela
Dầu mỏ là nguồn thu chủ yếu của nước này. Hồi tháng 8, Venezuela cho biết doanh thu từ dầu mỏ giảm hơn một phần ba trong năm 2016, do sản xuất đi xuống và giá dầu lao dốc nhiều năm nay. Đây là một phần nguyên nhân khiến họ thiếu số USD cần thiết để nhập khẩu lương thực và hàng hóa.
Không chỉ dầu mỏ, sản lượng nhiều mặt hàng thiết yếu khác tại đây cũng đi xuống, từ khoai tây, ngô đến ôtô. 7 tháng đầu năm, nước này chỉ tạo ra 1.100 xe hơi.
Bên cạnh đó, giá cả tại đây lại đang tăng vọt. Giá thực phẩm tại Venezuela đã tăng hơn 17% chỉ trong tháng 7, khiến cuộc khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng.
"Việc này chưa từng có tiền lệ", Ricardo Hausmann - nhà kinh tế tại Đại học Harvard nhận xét. Ông cho rằng tình hình tại Venezuela còn tệ hơn Mexico thập niên 90, Argentina những năm 2000 và Cuba sau khi Liên Xô tan rã.
Đồng bolivar của Venezuela thì mất tới nửa giá trị so với USD trên thị trường chợ đen, chỉ trong 9 ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8. Việc này khiến những người nhận lương tối thiểu thực sự chỉ cầm số tiền tương đương 5 USD một tháng.
Dù Chính phủ nước này liên tục nâng lương tối thiểu, tốc độ này cũng không theo kịp lạm phát, Hausmann cho biết. Ông ước tính trong 5 năm qua, giá trị thực số tiền lương của người Venezuela đã mất gần 90%.
Luis Palacios - một cựu nhân viên bảo vệ 42 tuổi tại thủ đô Caracas đã phải chịu đói suốt thời gian qua, khi lạm phát khiến tiền lương của anh mất giá đáng kể. Cả năm nay, gia đình anh sụt cân liên tục, cho đến khi vợ anh phải mang hai con nhỏ sang Colombia cách đây 5 tháng để có nhiều đồ ăn hơn.
"Con tôi gầy lắm. Nó ốm chúng tôi cũng không mua được thuốc nữa", anh nói.
Vợ anh đã quyết định sẽ không quay lại. Còn Palacios cũng nghỉ việc cách đây một tháng, vì không đủ tiền đi xe bus tới chỗ làm, và lạm phát khiến lương của anh gần như vô giá trị. Số tiền đền bù sau khi nghỉ việc cũng gần như mất hết giá trị chỉ trong 2 tuần - thời gian anh chờ nhận nó.
"Tôi sụt 7kg chỉ trong vài tháng. Và từ khi vợ con rời đi, tôi chỉ nghĩ về lũ trẻ mà thôi", anh nói.
Tiền mặt tại đây mất giá đến mức nó gần như biến mất ở mọi ngõ ngách. Mariel Bracho - một lái xe taxi tại sân bay chỉ nhận chuyển khoản hoặc thanh toán thẻ. Thậm chí, bảng giá in trên xe của cô vẫn là giá cách đây một năm, do công ty chưa tìm mua được giấy hay mực để in cái mới.
"Nhưng mà giờ cũng chẳng có mấy người đi taxi từ sân bay về nữa đâu", cô cho biết, vì giá cao quá.
Cuộc sống của Olympia Jiménez - một bồi bàn 49 tuổi ở Caracas cũng bị đảo lộn. Anh cảm thấy tiền lương và tiền tip của mình như đang biến mất. Vì kể cả khi mọi người đủ tiền ăn nhà hàng, họ cũng không thể mang đủ tiền mặt mà đặt tip trên bàn như trước đây nữa.
Thế là Jiménez nghĩ ra cách đưa thực khách họ tên, địa chỉ và số tài khoản ngân hàng để họ chuyển khoản cho mình. Nếu khách muốn tip 2,5 USD, "họ sẽ phải đưa tôi 40.000 bolibar" theo tỷ giá chợ đen, anh ví dụ. Trong khi tiền giấy chính ở đây là 100 bolivar.
"Đồng bolivar như viên đá ấy", Daniel Lansberg-Rodriguez - giảng viên Trường Quản lý Kellogg (Mỹ) so sánh, "Lấy trong tủ lạnh ra là anh phải dùng ngay, vì nó sẽ rất nhanh biến mất".
Với ông chủ một công ty sản xuất pháo hoa ở Caracas, một trong những thách thức lớn nhất của anh là đổi số bolivar nhận được ra đôla Mỹ. Năm ngoái, anh còn tìm được người bán đôla ở chợ đen. Thực ra giờ anh cũng vẫn có thể mua ở đó, nhưng giá đã đắt hơn rất nhiều.
Phần lớn người Venezuela, như Soler, thì không mua được USD. Từ khi hết gas mùa hè này, gia đình cô chỉ có thể mua từng đợt, và phải mua ngay khi có thể vì tiền mất giá quá nhanh. Nhưng giờ đây, nếu gas lại hết, họ đều đã học được cách đun củi để nấu ăn ngoài sân.
Hà Thu (theo NYT)