Cơ quan bầu cử Venezuela ngày 3/12 (sáng 4/12 giờ Hà Nội) công bố kết quả trưng cầu dân ý, cho thấy hơn 95% cử tri, tương đương 10,5 triệu phiếu bầu, ủng hộ thành lập chính quyền mới ở vùng Esequibo, khu vực rộng lớn và giàu dầu mỏ nằm giữa Venezuela và Guyana.
Cuộc trưng cầu dân ý được chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiến hành sau khi Tòa Công lý Quốc (ICJ) hồi tháng 4 cấm Venezuela thực hiện bất kỳ hành động nào có thể thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp với nước láng giềng Guyana. Trong cuộc trưng cầu mang tính "tham vấn", cử tri Venezuela trả lời 5 câu hỏi liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với vùng Esequibo.
Elvis Amoroso, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela, cho rằng kết quả trưng cầu dân ý là "chiến thắng hiển nhiên và áp đảo" đối với vùng Esequibo. Guyana chưa lên tiếng về kết quả trưng cầu dân ý ở Venezuela.
Tranh chấp lãnh thổ ở Esequibo bắt nguồn từ thời thuộc địa. Năm 1811, khi Venezuela tuyên bố độc lập, họ tin rằng khu vực này là một phần lãnh thổ của mình. Bất chấp những tuyên bố đó, Anh, quốc gia chiếm đóng vùng lãnh thổ là Guyana ngày nay, đã đặt khu vực này dưới quyền cai trị của mình.
Tranh chấp tiếp tục nóng lên vào năm 1966, khi Guyana giành độc lập. Thỏa thuận Geneva do Anh, Venezuela và Guiana thuộc Anh ký khi đó kêu gọi các bên tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp thông qua đối thoại, nhưng Guyana muốn giải quyết qua ICJ.
Trong các bài phát biểu, Tổng thống Maduro thường xuyên nói rằng "Esequibo là của chúng tôi". Ông cũng kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres làm trung gian hòa giải giữa Venezuela và Guyana.
Guyana, quốc gia với khoảng 800.000 dân, sẽ mất đi hơn một nửa lãnh thổ và hơn 200.000 cư dân nếu Esequibo thuộc về Venezuela.
"Hậu quả về lâu dài của cuộc trưng cầu dân ý này có thể là việc Venezuela sáp nhập khu vực có diện tích 160.000 km2, một phần đáng kể của Guyana, quốc gia có diện tích 215.000 km2", Annette Idler, giáo sư tại Trường Chính phủ Blavatnik thuộc Đại học Oxford, Anh cho hay.
Giáo sư Idler cảnh báo nếu Venezuela tiến hành các bước giành kiểm soát Esequibo sau cuộc trưng cầu dân ý, toàn bộ khu vực có thể rơi vào bất ổn nghiêm trọng. Các nước như Brazil và Uruguay có thể buộc phải chọn bên trong xung đột lãnh thổ này.
Tuy nhiên, Venezuela gần như không có cách nào để kiểm soát Esequibo bằng vũ lực, khi nước này đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, theo Idler. "Chính phủ Venezuela cũng nắm quyền kiểm soát hạn chế với các khu vực biên giới phía đông nam, nơi họ cần tập trung quân nếu muốn chiếm Esequibo", ông nói.
Tổng thống Maduro nhiều khả năng cũng hiểu rõ rằng động thái sáp nhập Esequibo có thể khiến Mỹ tái kích hoạt các lệnh trừng phạt dầu mỏ vừa dỡ bỏ gần đây cho Venezuela, khiến kinh tế nước này có thể sụp đổ.
Ngoài trữ lượng vàng, kim cương và nhôm đáng kể, Esequibo còn có nguồn lợi dầu khí lớn. Kể từ khi tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil phát hiện mỏ dầu có trữ lượng hơn 5 tỷ thùng ở Esequibo năm 2018, "vàng đen" đã mang lại động lực chưa từng có cho nền kinh tế Guyana, giúp GDP của nước này tăng khoảng 62% vào năm 2022.
Chính phủ Venezuela rất tức giận trước việc Exxon lựa chọn đàm phán với chính phủ Guyana, cho thấy tập đoàn dầu mỏ Mỹ đã công nhận chủ quyền của Guyana đối với Esequibo và các vùng biển ngoài khơi.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, France24)