Trả lời VnExpress ngày 19/10, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm), cho rằng xét nghiệm là biện pháp quan trọng để hạn chế lây nhiễm, nhất là ở địa phương tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và có người từ vùng dịch trở về. "Người đã tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ giúp bản thân họ không bị nặng, giảm tử vong, tránh áp lực lên y tế nhưng họ vẫn có thể nhiễm và lây truyền virus ra cộng đồng", bác sĩ nhấn mạnh.
Do đó, người dân ở vùng nguy cơ cao như các tỉnh phía nam như TP HCM, Bình Dương, Long An,... đã tiêm đủ hai mũi khi trở về địa phương vẫn phải xét nghiệm và cần theo dõi sau đó. Người dân có thể cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung, do địa phương quyết định.
Bài học từ các tỉnh như Phú Thọ, Hà Nam là ví dụ. Bác sĩ dẫn chứng đoàn công tác Phú Thọ chi viện TP HCM đã xét nghiệm âm tính trước khi trở về. Sau đó, 16/50 người xét nghiệm dương tính. Các trường hợp trên đã được cách ly y tế đúng theo quy định nên không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Hiện lượng người từ vùng dịch trở về địa phương qua các phương tiện là rất lớn. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong 10 ngày đầu tháng 10, hơn 1.000 ca nhiễm là người về các địa phương từ những vùng dịch. Riêng Hà Nội, tính đến sáng 19/10, trên địa bàn TP đã có 1.872 người về từ các tỉnh miền Nam. Trong đó, 22 người nhiễm bệnh.
"Do đó, ngành y tế cần đi trước, chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm và cách ly đồng thời yêu cầu người dân cam kết để không làm lây nhiễm", bác sĩ nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền (Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), nhấn mạnh người dân cần hiểu rõ mục đích khác nhau giữa tiêm vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm chẩn đoán. Mọi người tiêm vaccine Covid-19 để có miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm bệnh hoặc giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng khi nhiễm, còn xét nghiệm (Realtime PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) để phát hiện người đó có đang nhiễm bệnh hay không.
"Như vậy, một cộng đồng được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ (ước tính đạt tỷ lệ bao phủ từ 85% trở lên) sẽ có tỷ lệ ca bệnh trở nặng thấp, song vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh. Từ đó, không loại trừ khả năng người đã được tiêm vaccine sau đó nhiễm bệnh không triệu chứng lây cho người chưa tiêm", bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng người đã tiêm hai mũi vaccine vẫn có khả năng nhiễm bệnh do hiệu quả vaccine từ 60-95% và không có loại vaccine nào bảo vệ cơ thể 100%. Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng khẳng định việc xét nghiệm, kể cả khi đã tiêm đủ vaccine là biện pháp thận trọng của địa phương để ngăn dịch bùng phát.
Tuy nhiên, xét nghiệm nCoV cần được triển khai phụ thuộc vào nguy cơ của từng vùng, ví dụ Phú Thọ 6 ngày ghi nhận 128 ca là nguy cơ cao; Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cà Mau cũng là điểm nóng.
Do đó, "việc xét nghiệm Covid-19 sau tiêm vaccine được quyết định dựa trên mục đích của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và từng trường hợp cụ thể", bác sĩ Điền nói.
Ví dụ cơ sở y tế xét nghiệm để chẩn đoán, điều trị cho người nhiễm có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc người đi vào các không gian kín có khả năng lây nhiễm cao (lên máy bay, tàu hỏa,...), hoặc xuất cảnh ra nước ngoài, cần xét nghiệm sàng lọc để xác định xem người đó có đang mang virus hay không, mặc dù người đó đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Ngoài ra, các địa phương không nên quá lo lắng về các F0 khỏi bệnh do tỷ lệ tái nhiễm thấp. Việc F0 có mắc trở lại hay không còn tùy thuộc vào nhiều lý do, như xuất hiện biến chủng mới mà vaccine trước đó không đủ bảo vệ hoàn toàn thì có thể nhiễm, "nhưng đối tượng này thuộc nhóm nhẹ hoặc không triệu chứng, không nên quá lo lắng", bác sĩ Hà phân tích.
Đối với trường hợp tái dương tính, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm cho người khác. Tái dương tính chỉ là do tồn dư xác virus trong dịch hầu họng cơ thể sau khi khỏi Covid-19, dẫn đến kết quả xét nghiệm dương. Khả năng lây nhiễm từ người tái dương tính được cho là thấp, tuy nhiên để tránh nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, các ca tái dương tính được xử lý phòng dịch như ca nhiễm.
Các chuyên gia cho rằng, việc giám sát và xét nghiệm người từ vùng dịch về là bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng khi chống dịch khác với xét nghiệm "tràn lan" toàn bộ dân cư hoặc ở vùng xanh, số ca nhiễm thấp dẫn đến lãng phí tiền bạc, công sức.
"Chung sống an toàn là vẫn tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không lơ là, nhất là địa phương tỷ lệ tiêm chủng thấp", phó giáo sư Hà nhận định.
Để thích ứng và kiểm soát Covid-19 hiệu quả, ngày 13/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời, trong đó quy định người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế hoặc đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch). Bộ yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ thì chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3.
Chỉ xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (cơ sở khám, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...). Các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người... (lái xe, xe ôm, shipper,...) hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở.
Địa phương được quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch.
An Chi Cầm