Sau khi tác phẩm Eat, Pray & Love (Ăn, Cầu nguyện và Yêu) của Elizabeth Gilbert xuất bản và nổi tiếng khắp thế giới năm 2006, Ketut Liyer - người thầy thuốc mà tác giả nhắc tới trong truyện - cũng nổi tiếng theo. Du khách đua nhau tới Bali - Indonesia ghé thăm ngôi nhà của Liyer ở Ubud để gặp ông. Tuy vậy, Liyer đã qua đời vào tháng 6 năm nay.
Người tiếp nối "sự nghiệp" của Liyer sau khi ông ra đi là Ida Panditha MpU Budha Maharsi Alit Parama Daksa, một thầy cúng Hindu nổi tiếng.
"Tôi gặp Ida khoảng 4 hay 5 lần, tại những giai đoạn bản thân vấp phải vấn đề trong cuộc sống hay cảm xúc cá nhân. Vào chuyến thăm cuối cùng, tôi đã có thể tha thứ cho chính mình nhờ tìm thấy mục đích rõ ràng của cuộc đời. Cô ấy đã thay đổi cuộc sống của tôi", Uday Rao, Tổng giám đốc của Four Seasons Resort ở thị trấn Ubud kể khi đề nghị nhà báo Ian Neubauer viết về Ida.
Rao là người theo đạo Hindu. Ông kể rằng Ida giúp mọi người không phải vì niềm tin vào tôn giáo hay quyền lực nào đó từ trên trời. Thay vào đó, cô truyền đến mọi người hy vọng và giúp bạn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Đây cũng là điều mà người thầy thuốc Liyer đã giúp Gilberts và được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết thuộc top bán chạy nhất do tờ The New York Times thống kê suốt 187 tuần.
"Đó là một câu chuyện dài", Ida nói khi được nhà báo Ian phỏng vấn. "Khi tôi còn trẻ, tất cả những gì tôi muốn là được học hành để có sự nghiệp. Nhưng sau khi tốt nghiệp và tới Bintan (đặc khu kinh tế gần Singapore) tìm việc, tôi chẳng kiếm được cơ hội nào. Vài tháng sau thì hết tiền, tôi phải trở lại Bali để tìm việc nhưng vẫn gặp thất bại", Ida kể về quãng thời gian tuyệt vọng.
Sau đó, Ida bắt đầu làm quen với thiền và cơ thể cảm thấy có điều kỳ lạ mà ban đầu là đau bụng. Cô cũng tụng kinh bằng một ngôn ngữ bản thân không biết, lặp lại những điệp khúc đó mà chẳng thể nhớ mình đã nói gì. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, Ida thấy bình tĩnh, cảm giác rất thoải mái, đầu óc lúc nào cũng bận rộn nhưng thật yên bình.
Trong một lần thiền, Ida đã dành thời gian tĩnh tại rất lâu. Gia đình cô lo lắng và khi kiểm tra cơ thể con gái, họ thấy cô lạnh toát, da chuyển màu trắng, tim ngừng đập. Ai cũng nghĩ Ida qua đời bởi không tìm thấy nhịp thở. Riêng người chú lại nói rằng sẽ để cô làm thầy cúng nếu tỉnh lại.
Sau 5-6 tiếng ở trạng thái như bị thôi miên, những ngón tay của Ida bắt đầu cử động và dần dần mở mắt nhưng đầu óc không nhớ chút gì về những điều đã trải qua. Những ngày sau đó, cô từ chối việc chấp nhận mình là người trở về từ cõi chết hay thậm chí là cả danh hiệu vị thánh.
Hai tuần sau, người chú đưa cô gái đến gặp Hội đồng quốc gia thụ chức của Hiệp hội Phật pháp ở Bali và trải qua quá trình kiểm tra tinh thần. Một số nhà sư đã phản đối Ida vì cho rằng cô quá trẻ. Tuy vậy, hầu hết người trong Hiệp hội ủng hộ và bắt đầu đào tạo Ida với thời gian một năm.
Khi được hỏi làm thế nào các thầy cúng có thể đọc nỗi đau của người khác, Ida cho biết lúc đó chỉ cần tập trung và không thể có bất kỳ cảm xúc nào. "Tôi đơn giản chỉ làm nhiệm vụ của mình", cô bày tỏ.
Sống trong một ngôi đền, xung quanh Ida là những cánh đồng lúa xanh ngắt bên chân núi Agung, cách Ubud một giờ lái xe. Nơi đây thường có hàng chục, thậm chí hàng trăm du khách chờ đợi, xếp hàng để có thể tham gia vào buổi lễ thanh lọc cơ thể nhằm tẩy trần, thường bắt đầu vào 10h sáng. Chi phí khoảng 30 USD mỗi người.
Các du khách được nữ thầy cúng này vẩy nước lên đầu và nói: "Hãy cảm thấy tự do để bày tỏ cảm xúc của mình. Mở rộng trái tim và tâm trí bạn. Hãy đi sâu vào trong con người mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc, niềm từ bi và cả khiêm nhường ẩn trong bản thân".
Ở buổi lễ đó, nhà báo Ian thấy một số người cười, một số lại khóc. Một du khách đến từ Australia nói rằng cô không cảm thấy gì dù đã để tâm trí mình cởi mở. Lúc đó, thầy cúng Ida bật cười như trẻ thơ và nói với giọng mềm mại tựa hoa anh đào trôi trong gió: "Hạnh phúc hay nỗi buồn không quan trọng. Hạnh phúc như gió, nó đến rồi đi. Tôi cũng thế, vẫn có những khó chịu của riêng mình. Điều quan trọng là bạn phải biết chấp nhận, chấp nhận bản thân và thế giới xung quanh ta".
Ubud - thị trấn được biết đến đẹp như trong cổ tích nằm ở vùng trung nguyên với những ngôi đền của đạo Hindu và Phật giáo, nơi được coi là linh hồn ở Bali. Trên thực tế, Liyer là một người bán hàng rong và trở nên giàu có nhờ bán bùa yêu cũng như xem bói bằng cách nhìn vào lòng bàn tay người khác. Theo không ít du khách, thứ bùa yêu mà Liyer bán là "nhảm nhí" và nhiều người dân Ubud cũng gọi Liyer là "kẻ nói dối" (cách chơi chữ giữa hai từ Liyer và Liar). Liyer tự nhận thuộc thế hệ thứ 9 của một thầy thuốc và đã qua đời vào tháng 6 năm nay. Những người từng gặp nhân vật nổi tiếng này cho biết họ cũng có cảm giác như mình đang bị lừa: "Ông ta giả vờ nhìn vào lòng bàn tay tôi. Nhiều người từng được Ketut bói trong những năm trước và họ biết rằng ông ta nói toàn những thứ nhảm nhí. Ông ấy bị mù, vậy thì làm sao ông ấy có thể nhìn thấy bàn tay của người khác để mà nói về tương lai hay mọi thứ được nhỉ?". |