Hồi tháng một, truyền thông Trung Quốc đưa tin giới chức y tế nước này phát hiện bao bì một lô hàng cherry từ Chile dương tính với nCoV. Các nhà bán lẻ Trung Quốc lập tức giảm giá mạnh cherry vì nhiều người tiêu dùng xa lánh loại quả này.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc đã lên truyền hình nói rằng quả cherry an toàn nếu rửa sạch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết nguy cơ nhiễm nCoV từ ăn hay xử lý thực phẩm là rất thấp, trong khi đại sứ quán Chile chưa xác nhận lô hàng nhiễm virus là từ nước này. Nhưng đã quá muộn: giá giảm mạnh khi 288.000 tấn cherry nhập khẩu từ Chile sắp hết hạn sử dụng.
Giờ đây, ai cũng có thể đạt "tự do cherry". Nhiều người nhân cơ hội này thưởng thức cherry với giá chỉ 4-6 USD một kg, chỉ bằng 1/3 so với giá thông thường ở Trung Quốc.
"Trước đây, chúng tôi coi cherry là một loại trái cây cao cấp mà chỉ những người khá giả mới dám mua", Gu Xi, nhân viên kế toán 24 tuổi ở Bắc Kinh đã mua một thùng cherry 2,5 kg với giá 23 USD, cho biết.
Mỗi mùa đông, 90% sản lượng cherry của Chile đến Trung Quốc và thường được bán với giá cao. Gu cho biết anh đang tận hưởng cơn sốt giá rẻ hiện nay, ngay cả khi nó có thể không kéo dài lâu. "'Tự do cherry' thực tế không có nghĩa là mức sống và sức mua của chúng tôi đã tăng lên", anh nói.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ vui mừng. "Tôi sẽ ăn cherry như ăn cơm", một người viết. "Tôi đã đạt được 'tự do cherry' vào sáng nay", một người khác đăng kèm bức ảnh chiếc rổ đựng đầy cherry.
"Ăn bao nhiêu cũng được", một spa ở Bắc Kinh quảng cáo qua bức ảnh chiếc bát thủy tinh đựng đầy cherry.
Để bớt lo lắng về rủi ro nhiễm nCoV, mọi người sử dụng nhiều phương pháp để làm sạch cherry, bao gồm ngâm chúng trong Bạch Tửu, loại rượu có nồng độ cồn lên đến 60 độ.
Alice Du, giảng viên đại học 30 tuổi ở Côn Minh, cho biết cherry gợi lên hình ảnh về lối sống của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. "Có thể coi cherry như một phiên bản khác của quả bơ", cô nói. "Có lẽ người ta đặt quá nhiều giá trị vô hình vào nó. Bây giờ, nó không chỉ đơn giản là một loại trái cây nữa".
Du cảm thấy an toàn khi ăn cherry, nhưng không mua làm quà cho bạn bè và gia đình trong năm nay. "Biết đâu người nhận được lại lo lắng", cô nói.
Ở tỉnh Giang Tây, một gia đình 5 người đã phải cách ly hai tuần từ ngày 15/2 sau khi nhận cherry từ họ hàng. Giới chức cho biết hộp quà này xuất phát từ một lô hàng dương tính với nCoV. Các công nhân xử lý lô hàng cũng phải cách ly.
Truyền thông nhà nước đưa tin một phụ nữ họ Wang ở tỉnh Quảng Tây đã bị tiêu chảy và phải nhập viện sau khi ăn 3 kg cherry trong 5 ngày . Các bác sĩ đông y cho biết cherry là loại quả có tính ấm, có thể gây nóng trong người nếu ăn quá nhiều.
Cherry nhập khẩu và cherry nội địa Trung Quốc được bán dưới những cái tên khác nhau. Nông dân Trung Quốc từ lâu đã trồng các giống cherry màu đỏ và vàng tươi được gọi là anh đào. Trong khi đó, loại cherry tím sẫm nhập khẩu cỡ to được gọi là xa li tử, chuyển ngữ từ từ cherry. Hai loại này có khác biệt nhỏ về vị.
Để tăng thêm sức mua nhằm giảm thiểu thiệt hại, Bộ Ngoại giao Chile và Hiệp hội các nhà xuất khẩu trái cây Chile đã tài trợ một chiến dịch quảng cáo trị giá 1,5 triệu USD trên khắp Trung Quốc. Chile là nhà xuất khẩu cherry lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang Trung Quốc 1,6 tỷ USD cherry vào năm ngoái.
Một quảng cáo cho thấy một gia đình chơi mạt chược với rổ cherry để sẵn bên cạnh. Quảng cáo khác cho thấy một bó hoa đặc biệt, được gói từ những quả cherry. Chiến dịch cũng bao gồm phát biểu của các chuyên gia an toàn thực phẩm trên truyền hình nhà nước.
"Trái cây nhập khẩu thường không khiến người tiêu dùng nhiễm nCoV", Feng Zijian, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói với CCTV. "Sau khi rửa sạch bằng nước, mọi người có thể ăn mà không cần lo lắng".
Gu nói rằng cherry nhập khẩu ngọt, màu đẹp và to hơn nhưng hương vị không phải lúc nào cũng đặc sắc như loại anh đào nội địa chua hơn. Gu cho biết điều anh thực sự ước ao là "tự do sầu riêng", đây vẫn là loại trái cây đắt nhất trong các cửa hàng ở Trung Quốc.
"Rất nhiều người đang chạy theo trào lưu", anh nói. "Nếu không phải vì giảm giá, tôi sẽ không mua cherry, vì đó không phải là thứ chúng ta cần trong cuộc sống hàng ngày".
Phương Vũ (Theo Washington Post)