Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn nâng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20. Trump còn cho phép các nhà cung cấp Mỹ bán linh kiện cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, miễn là chúng không đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, động thái "đình chiến" của Trump không xua đi những lo ngại của nhiều người Trung Quốc. Họ cảm thấy tình hình này không ổn định vì không chắc liệu lệnh đình chiến duy trì được bao lâu, trong bối cảnh không nắm được nhiều thông tin về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
"Tôi cũng như nhiều chủ nhà máy sản xuất giày ở Đông Hoản đều cho rằng mặc dù vấn đề thuế quan đã được xoa dịu, tương lai vẫn chưa chắc chắn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump đảo ngược quyết định? Ông ấy quá khó đoán", doanh nhân Wang Jie nói. Nhà máy sản xuất giày của ông đã mất nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ trong những tháng gần đây.
"Trump luôn thay đổi, vì vậy chúng tôi trở nên thận trọng hơn so với trước đây", Wang cho biết.
"Ban đầu Trump gọi Huawei là mối đe dọa an ninh, giờ thì ông ấy quay sang nói rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei. Các cuộc đàm phán và lệnh đình chiến có vẻ không đáng tin cậy", Andy Xu, giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ có trụ sở tại Quảng Châu, nói. Ông và Wang Jie cho biết họ chỉ đọc thông tin về chiến tranh thương mại qua truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thương mại và đầu tư nước ngoài duy trì tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm nay. "Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc, nhưng con số này rất nhỏ", Chu Shijia, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nói.
Global Times, phụ san của People's Daily, hôm 30/6 cho rằng sẽ còn nhiều thăng trầm trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai: "Vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Mỹ rất hay đổi ý".
Người dùng mạng xã hội và các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là công ty xuất khẩu lớn ở Trung Quốc, thận trọng trong việc bày tỏ ý kiến. "Chúng tôi phải kín tiếng, không thể làm phật lòng bên nào. Thành thực mà nói, việc dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục khiến chúng tôi tổn thất lớn, bao gồm mất tài sản cố định, phải bồi thường cho công nhân và phải làm các thủ tục chuyển tiền", một lãnh đạo công ty sản xuất thiết bị Đài Loan, nói.
Ethan Harris, chuyên gia từ Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc "ít khả năng sớm kết thúc". "Cuộc chiến thương mại vẫn sẽ là vấn đề nóng của năm tới", Harris nói. "Tình hình hiện giờ chỉ là sự bình yên trong mắt bão".
Phương Vũ (Theo SCMP)