Đó là một cuộc chia tay chóng vánh, không có nước mắt, những cái ôm tạm biệt và sự dỗ dành của người lớn, dù Kelly sẽ không thể gặp và nói chuyện với cha mẹ trong 4 ngày tiếp theo.
Kelly chỉ là một trong số hàng chục em bé được theo học ở trường mẫu giáo nội trú Khang Kiều ở Thượng Hải. Từ sáng thứ hai tới chiều thứ sáu, các cô cậu bé sẽ cùng học tập, vui chơi, ăn uống và ngủ nghỉ trong những căn phòng ngập tràn màu sắc và không hề có bóng dáng cha mẹ ở Khang Kiều.
Ngoài Khang Kiều, mô hình trường mẫu giáo nội trú còn xuất hiện ở rất nhiều thành phố lớn khác trên khắp Trung Quốc, như Bắc Kinh hay Trùng Khánh... Theo ước tính, hàng nghìn ngôi trường dạng này đang tồn tại và nhận học sinh mỗi ngày.
Theo ông Xu Jing, hiệu trưởng trường mẫu giáo Khang Kiều, trực thuộc Viện Phúc lợi Trung Quốc (CWI) ở Thượng Hải, thì có một vài lý do xác đáng để dẫn tới tình trạng này.
"Nhiều người tin rằng mô hình trường học nội trú sẽ giúp gia tăng tính độc lập ở trẻ từ khi còn nhỏ. Một số người khác thì quá bận rộn hoặc không đủ sức để chăm sóc cho con cái họ", Xu nói. "Ngoài ra, do truyền thống Trung Quốc yêu cầu con cái phải chăm sóc cha mẹ già, nên tình trạng có từ ba cho tới 4 thế hệ dưới một mái nhà đang tồn tại ở nhiều gia đình."
"Và điều đó khiến nhiều bậc phụ huynh lo sợ rằng, những người sinh thành ra họ lại có thể làm hư con trẻ bằng cách chiều chuộng chúng quá mức. Vì thế, họ đưa con tới đây", Xu chia sẻ.
Gia đình Kelly Jiang là một ví dụ điển hình của tầng lớp thượng lưu mới nổi ở Trung Quốc. Jamie Jiang, một chuyên viên tư vấn đầu tư và là cha của Kelly, cho biết mỗi tháng gia đình anh dành tới 1.000 USD cho việc tiêu dùng.
"Chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ, và nhận ra rằng việc đi học nội trú từ khi còn nhỏ rất có lợi cho con trẻ. Chúng giúp các bé tự lập và tích lũy nhiều kinh nghiệm sống hơn", anh nói. "Kelly của chúng tôi rất tinh nghịch và luôn muôn có một không gian riêng. Thế nên hai vợ chồng quyết định cho con bé đi học thử. Kelly tỏ ra rất thích môi trường mới."
Tuy nhiên, việc để con xa nhà từ khi còn quá nhỏ cũng khiến vợ chồng Jiang khá đau lòng.
"Ban đầu chúng tôi cũng rất nhớ con bé. Nhưng tôi cho rằng, khi thế giới ngày càng "phẳng" hơn, thì sớm hay muộn con bé cũng sẽ rời xa chúng tôi."
"Chúng tôi muốn con bé sớm học được cách sống độc lập, nhất là trong một xã hội như thế này. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn rất trân trọng khoảng thời gian được ở bên con."
Mô hình trường mầm non nội trú bắt đầu xuất hiện từ Trung Quốc từ năm 1949, để chăm sóc những đứa trẻ mồ côi cũng như con cái của các nhà lãnh đạo, những người luôn bận rộn và không có đủ thời gian bên con.
Nhưng nhìn vào cách những chiếc xe Audi và Mercedes nối đuôi nhau hướng về Khang Kiều, có thể thấy một sự thay đổi lớn về mục tiêu hoạt động của các trường mầm non nội trú.
Số lượng các ngôi trường dạng này đạt đỉnh vào thập niên 90, khi việc gửi con đi học nội trú là "mốt" và là biểu hiện của sự giàu sang.
Không chỉ có màu hồng
Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh Trung Quốc bắt đầu nhận ra rằng "họ nên dành thêm nhiều thời gian cho con cái, bởi những năm tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ", theo ông Xu Jing, thì hệ thống các trường mẫu giáo nội trú cũng gặp khó khăn. Một số cơ sở giáo dục đã phải đóng cửa, trong khi số khác chuyển sang mô hình bán trú.
Bản thân trường mẫu giáo Khang Kiều, nơi từng chỉ dành riêng cho những đứa trẻ học nội trú, cũng phải thay đổi để phù hợp với thị hiếu của các bậc phụ huynh. Chỉ có ba trong số 22 lớp học ở ngôi trường này dành cho những đứa trẻ như Kelly.
"Chúng tôi cũng khuyên các bậc phụ huynh rằng, nếu họ có đủ thời gian và năng lực để chăm sóc con cái, thì bán trú luôn là lựa chọn hợp lý hơn", Xu nói.
Nhà tâm lý học Han Mei Ling, người từng chữa trị cho rất nhiều thanh thiếu niên bị ám ảnh bởi giai đoạn học nội trú, cho rằng hình thức này nên bị xóa bỏ.
"Họ cảm thấy bị cha mẹ bỏ rơi và xa lánh. Khi lớn lên, họ phải vất vả để tìm chỗ đứng trong xã hội. Những người này cũng không biết cách phải ứng xử ra sao với các thành viên trong gia đình", bà nói. "Sự độc lập mà người ta vẫn nói chỉ tồn tại trong tư tưởng của các bậc phụ huynh. Còn với những đứa trẻ vừa mới lên ba, điều này rất đáng sợ."
Han tin rằng, một nền văn hóa quá đề cao sự thành công của những đứa trẻ chính là nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh vẫn tiếp tục gửi con tới trường nội trú. "Mặc dù ai cũng hiểu rằng con cái phải được lớn lên bên bố mẹ, nhưng người ta vẫn không ngừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào những đứa trẻ", bà nói thêm.
Theo một số người, việc học ở trường nội trú từ khi còn nhỏ sẽ góp phần định hướng tương lai cho các em. Sau mẫu giáo là tiểu học, trung học nội trú, và xa hơn là một vị trí chắc chắn ở trường đại học.
Nhưng với một số người, ký ức ở trường mẫu giáo nội trú lại là cơn ác mộng lớn nhất đời họ. Người mẫu nổi tiếng Wang Dan cho biết, cô phải bắt đầu học nội trú từ khi mới ba tuổi.
"Tôi chưa bao giờ thích quãng thời gian ấy. Mỗi lần bước chân tới trường, tôi đều cảm thấy như mình vừa bị bỏ rơi. Tôi dành phần lớn thời gian để ở một mình, im lặng và chạy trốn người lạ", Wang kể.
Không chỉ với riêng Wang, việc thích nghi với cuộc sống xa cha mẹ từ khi còn quá nhỏ là điều khó khăn với hầu hết các đứa trẻ. Các em bị thu hút bởi các hoạt động vui chơi ban ngày, nhưng khi màn đêm buông xuống, nước mắt là thứ phổ biến nhất ở khu ký túc xá của Khang Kiều. Những đứa trẻ chỉ vừa mới lên ba khóc vì nhớ nhà, vì tủi thân và vì thèm khát vòng tay của bố mẹ.
"Bởi vì một năm mới chỉ vừa mới bắt đầu, nên việc bọn trẻ cùng nhau khóc là điều rất dễ hiểu", Huang Ying, quản lý trường, nói. "Chỉ sau hai tháng, những tiếng khóc vào ban đêm sẽ hoàn toàn biến mất. Các con cũng được mang theo những bức ảnh gia đình, và nếu nhớ nhà, thì những bức ảnh ấy sẽ thay bố mẹ ở bên các con."
Mo Li, một học sinh 17 tuổi, cho biết em cũng từng cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải xa nhà từ khi mới ba tuổi. Tuy nhiên, trải nghiệm này sau đó đã mang lại cho em rất nhiều niềm vui.
"Ban đầu cháu cũng rất nhớ nhà, nhưng đồ ăn ở đó rất ngon và không gian thì vô cùng đáng yêu, với rất nhiều cây cối", cô bé nói.
"Cháu nghĩ là hiện tại, so với các bạn cùng trang lứa, cháu sống độc lập và có trách nhiệm hơn. Mọi người nghĩ sao cũng được, chứ bản thân cháu thì luôn trân trọng mối quan hệ với cha mẹ hơn so với nhiều bạn khác".
Quỳnh Hoa (Theo BBC)