Một cụ già hơn 100 tuổi sống ở nhà dưỡng lão Thượng Hải. Nhà có 256 giường và đã đầy, trong khi đơn xin gia nhập vẫn tiếp tục gửi đến. Ảnh: Corbis. |
Chính sách một con của Trung Quốc đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Từ lâu, âm thầm, nhiều người nước này đã sinh thêm con so với quy định. Khi một quan chức cấp cao tuyên bố cách đây hai tuần, rằng Bắc Kinh đang xem xét việc bãi bỏ chính sách, người dân không mấy ngạc nhiên. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà Zhao Baige - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình, thận trọng cho biết bà không chắc chính phủ sẽ đưa ra những thay đổi cụ thể như thế nào và bao giờ. Nhưng bà đã nói ra một điều: Bắc Kinh thấy chính sách đang áp dụng không còn hiệu quả nữa và cần xem xét lại. "Đây đã trở thành một chủ đề bàn bạc lớn trong giới lãnh đạo", Zhao nói.
Sau 30 năm của chính sách một con, giờ đây nhiều cặp vợ chồng già ở Trung Quốc đang thiếu người chăm sóc, trong khi xã hội chỉ có thể cung cấp những dịch vụ ít ỏi cho họ. Việc siêu âm thai phụ để loại bỏ con gái đã diễn ra nhiều năm do người dân thích có con trai, khiến sự chênh lệch nam nữ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một trong những vấn đề đau đầu nhất hiện nay là sự suy giảm lòng hiếu thảo - nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già dù có bất cứ khó khăn nào. Các chuyên gia xã hội học cho biết những người được sinh ra trong thế hệ một con của Trung Quốc đang ngày càng chú ý đến bản thân, ngày càng xa rời những nghĩa vụ đối với cha mẹ già. Bị cuốn vào ánh sáng của các đô thị lớn, theo đuổi lối sống thị dân giàu có, nhiều người thậm chí còn quyết định sẽ không sinh con.
Những bậc sinh thành bị bỏ lại phía sau phải tìm cách thích nghi với cuộc sống. Điều gây kinh ngạc nhất, là giờ đây, họ thay đổi định kiến từ hàng nghìn năm về con trai hay gái, và cho rằng con gái giờ hiếu thảo hơn. Theo kết quả một cuộc khảo sát qua mạng mới đây, tỷ lệ người muốn có con gái đã nhỉnh hơn số người khát con trai một chút. Nhiều người già phải tìm cách tham gia vào các chương trình chăm sóc của tư nhân, hoặc lạ lùng hơn - thuê con nuôi cho vui tuổi xế chiều.
Chính phủ, nhận thấy xu thế hao mòn lòng hiếu thảo là khó tránh khỏi, đang tạo lập một hệ thống nhằm chăm sóc người cao tuổi, trong khi định kiến xã hội vẫn là ngần ngại và xấu hổ nếu con cái phải đưa cha mẹ đến trại dưỡng lão. Lẽ tất nhiên, một giải pháp dễ dàng hơn nhiều chính là cho phép người ta sinh nhiều con, nhưng giới chức Trung Quốc cũng phải lo ngại đến một sự bùng nổ về dân số. Ngay sau khi bà Zhao ám chỉ rằng chính sách một con đang được xem lại, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định chính phủ chưa có ý định thay đổi gì, khẳng định sẽ tiếp tục "một con" và kiểm soát tỷ lệ sinh ở mức độ thấp.
Nhưng trong thực tế xã hội, thay đổi vẫn âm thầm diễn ra. Vấn đề chăm sóc người già vẫn luôn là chuyện nóng ở các nước giàu có, nhưng ở Trung Quốc, nó lại thêm phần phức tạp. Tuổi thọ trung bình ở nước này tăng từ dưới 50 (năm 1949) lên 72 hiện nay. Tỷ phần người cao tuổi trong dân số cũng tăng. Cho dù hiến pháp Trung Quốc quy định con cái phải phụng dưỡng cha mẹ, nhiều thanh niên giờ đang làm ngơ nghĩa vụ đó, và hệ quả là có tới 42% số cặp vợ chồng già phải sống một mình. Ở những đô thị lớn, tỷ lệ này lên đến 56% - ngang với ở Mỹ, nơi hệ thống an sinh và dưỡng lão mạnh hơn nhiều.
Truyền thống xưa nay, các gia đình vẫn trông vào con trai làm trọng, nhưng trong xã hội Trung Quốc hiện thời, nhiều cặp vợ chồng đang nhận ra rằng chính con gái mới là người chăm sóc cha mẹ tốt hơn. "Con gái biết nghĩ hơn", Feng Xiaotian, nhà xã hội học thuộc Đại học Nam Kinh, nói. Nhiều người không còn coi con gái là "đồ áo mỏng" - hàm ý túi tiền không đủ chăm sóc cha mẹ già - nữa.
Thế nhưng khi nhận ra điều đó thì nhiều cặp vợ chồng đã quá tuổi để có thể sinh con gái, và phải tìm cách "kiếm" một người. Nhận con nuôi lớn tuổi - một phong tục từ thời phong kiến - đang sống lại và thịnh hành.
Ông Wu Shaoqiu 75 tuổi và vợ là một cặp nghỉ hưu sống ở thành phố Vũ Hán. Sau khi các con sang định cư ở phương Tây, ông bà thấy cần phải có "ai đó để ở cùng và trò chuyện", ông Wu tâm sự. Năm 2006, ông tham gia một cuộc gặp do báo địa phương và chính quyền tổ chức. Tại đó, người ta giới thiệu cho người già những "cô con nuôi" tiềm năng. Ông bà gặp được Phương Phương. "Con bé mua hoa tặng và gọi tôi là Cha, gọi bà ấy nhà tôi là Mẹ", ông kể. Phương Phương nhanh chóng hòa nhập vào gia đình ông Wu cùng hai người phụ nữ nữa. Họ đều đã có gia đình và ở tuổi ngoài 40, thường đến nhà ông bà nấu ăn, giặt giũ và có khi chơi bài với hai cụ.
Wu không bao giờ trả tiền cho các con gái nuôi. Ông bảo rằng các cô ấy thấy vui khi được làm con nuôi "để cho xã hội tốt lên". Nhưng nhiều nhà không được như nhà ông.
Ông Tian Zhendong, kỹ sư xây dựng nghỉ hưu cũng ở Vũ Hán, tâm sự rằng hai vợ chồng già thấy rất buồn và cô đơn khi cậu con trai sang định cư Canada. Ông quảng cáo "một cặp vợ chồng già tha thiết nhận con gái nuôi" và hứa sẽ cho người đó thừa hưởng căn hộ của ông bà. Có tới 100 đơn xin làm con, nhưng cuối cùng hai cụ đành bỏ dở công cuộc tìm kiếm vì con trai ruột phản đối chuyện này.
Thực ra, chính phủ Trung Quốc cũng đã nới lỏng dần dần chính sách một con. Các hộ gia đình nông thôn, nếu đã có một con đầu lòng là gái, có thể được sinh thêm một con nữa. Từ năm 2000, những cặp vợ chồng nào đều là con một có thể được đẻ hai con, nhằm tránh hiện tượng 8-4-2-1, trong đó một cặp vợ chồng trẻ phải phụng dưỡng 4 cha mẹ và 8 ông bà. Nhưng nới lỏng cũng chẳng phải dễ thực hiện, ở các thành phố lớn, nhiều người trẻ chỉ muốn có một hoặc thậm chí không có con, theo mốt "nhân đôi thu nhập, không sinh con".
Nguyên do của tình trạng này là kinh tế. Một cuộc khảo sát cho thấy những cư dân đô thị tuổi 30 không muốn có nhiều con là bởi chi phí quá cao. Fang Meiqin, chuyên gia phân tích truyền thông 30 tuổi ở Bắc Kinh và sẽ sinh con trong bốn tháng tới, kể về nỗi hoảng sợ của cô và các bạn cùng lứa khi thấy rằng để nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến đại học mất 422.000 USD. Fang rất phiền lòng về sự đắt đỏ khi nuôi con nhỏ thời đại này.
Chính phủ có thể giúp để giảm các chi phí, nhưng họ cũng có lý do để thận trọng. Các quan chức vẫn còn nhớ rõ sự bùng nổ dân số vào năm 1983, khi giới chức mở những cuộc thảo luận về chính sách dân số và dẫn tới 30 triệu ca sinh thêm trong năm tiếp theo. Với 1,3 tỷ người hiện nay, Bắc Kinh rõ ràng phải cân nhắc để một quả bom dân số mới không đè bẹp những thành tựu kinh tế vừa đạt được.
Có một cách khác, là hỗ trợ cho những người già trong bối cảnh các dịch vụ an sinh cho người cao tuổi hiện nay rất yếu. Giới chức Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến như lập các đội chăm sóc tại gia, mang cơm đến nhà, cho thuê nhân công làm việc vặt trong nhà các cụ, hoặc cho phép người cao tuổi tham gia chương trình hợp tác xã y tế nông thôn với mức phí 1,5 USD hằng năm.
Điều này được hy vọng là sẽ cải thiện chăm sóc y tế cho người già, tránh tình trạng như trước đây, giáo sư Wu Changping, chuyên gia về dân số và người cao tuổi thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, bình luận. "Trước đây, khi một nông dân ốm hoặc phải mổ, thì cả nhà ông ta phá sản", ông nói.
T. Huyền (theo Newsweek)