Bán hàng qua livestream là hình thức đã tồn tại nhiều năm nhưng thực sự bùng nổ ở Trung Quốc khi Covid-19 bùng phát, trở thành cứu tinh của nhiều thương hiệu nước này chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Trước tình trạng ngành công nghiệp này tăng trưởng quá nhanh, khiến hệ thống quy định không theo kịp, giới chức Trung Quốc từ năm 2020 bắt đầu siết quản lý livestream.
Những tháng gần đây, Trung Quốc công bố loạt quy định, tiêu chuẩn mới, đồng thời thông báo chuẩn bị công nhận streamer (người livestream) là một nghề. Trong lần thống kê gần nhất, Trung Quốc ước tính có hơn 15 triệu streamer trên toàn quốc.
Qian Yongjing, 40 tuổi, dành 4 tiếng mỗi ngày đứng trước camera trong văn phòng ở Thâm Quyến, thuyết trình về cách tiến bộ ở nơi công sở bằng kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Cô livestream trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như Douyin (TikTok ở Trung Quốc), Kuaishou, Xiaohongshu. Tổng cộng, Qian có khoảng 5 triệu người theo dõi và kiếm được hàng chục nghìn USD mỗi tháng.
Đây là thực tế của nhiều người Trung Quốc. Qian vốn có 10 năm kinh nghiệm đào tạo kỹ năng giao tiếp, buộc phải chuyển hướng làm livestream khi đại dịch ập đến.
"Chúng tôi phải vật lộn rất nhiều, nhưng rồi vẫn vượt qua. Tôi tin rằng livestream không chỉ quan trọng trong đại dịch. Điều này đã được chứng minh", Qian nói.
Trong khuôn khổ loạt quy định mới, Trung Quốc ban hành Quy tắc Ứng xử Streamer, gồm 31 nội dung không được xuất hiện trong video, như quy định ngoại hình, cấm đưa tin giả, bạo lực, khoe khoang tài sản... Streamer cũng phải công khai tên, địa chỉ, thông tin liên lạc để đảm bảo minh bạch, trong khi các nền tảng phải lập hệ thống giải quyết khiếu nại của người mua.
Qian tin động thái này sẽ cải thiện chất lượng livestream về tổng thể. Chen, một streamer khác, mong các phụ huynh Trung Quốc sẽ thấy yên tâm hơn khi con cái xem livestream.
"Ngành livestream sẽ được đón nhận khi có ít nội dung tiêu cực, không phù hợp hơn, như khoe khoang tài sản", Chen, 30 tuổi, tốt nghiệp ngành kế toán, nói.
Khi chưa được công nhận là một nghề, streamer không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, phúc lợi của chính phủ. Điều này sẽ sớm thay đổi khi Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc hồi cuối tháng 5 tuyên bố streamer nằm trong danh sách 19 ngành nghề dự kiến được công nhận chính thức.
Danh sách sẽ được sửa đổi, bổ sung trước khi được công nhận chính thức. Chưa rõ quá trình này kéo dài bao lâu. Dựa trên tiền lệ, công tác sửa đổi có thể mất 3-5 năm.
Phần lớn nghề trong danh sách liên quan đến công nghệ. Việc nghề streamer xuất hiện trong danh sách đã thu hút nhiều chú ý, tạo nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Các bình luận tích cực chiếm đa số. Kết quả thăm dò của Sina News cho thấy 57% số người được hỏi xem streamer là một nghề sinh lời.
"Có rất nhiều streamer ngoài kia, bất kể nội dung họ tạo ra, đây là bước đi tự nhiên", một người bình luận.
Liu Erduo, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc (CIER), nhận định động thái có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp. "Khi chính phủ công nhận livestream là một nghề, các streamer không còn ở vùng xám, không còn được coi là thất nghiệp", ông nói.
Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc là 14,7% hồi tháng 4. Trong nỗ lực giảm tỷ lệ này, chính phủ đặt mục tiêu tạo hơn 12 triệu việc làm ở khu vực thành thị trong năm nay.
Việc công nhận livestream là nghề chính thức cũng cho phép các streamer tiếp cận các loại phúc lợi liên quan, như trợ cấp đào tạo nghề, kiểm tra kỹ năng. Theo quy định mới, streamer về các vấn đề chuyên môn cũng phải có bằng cấp tương ứng.
Lu Haoran, 29 tuổi, freelancer ở Trung Quốc, còn chỉ ra streamer cũng có thể hưởng lợi về mặt tài chính. "Các chính sách mới giúp streamer thu hút thêm các nhà quảng cáo, đặc biệt là những bên liên quan đến chính phủ".
Dù hưởng ứng, Lu cho biết khái niệm "livestream" bao hàm lượng đầu việc hạn chế, khi thường chỉ những streamer quay video trực tiếp để bán hàng.
"Khái niệm này chưa bao gồm các loại việc như blogger du lịch, ẩm thực", Lu, có tài khoản Douyin hơn 700.000 người theo dõi, nói. Anh thường xuyên đăng các đoạn video du lịch lên tài khoản này, có những nội dung từng được xuất hiện trên đài quốc gia.
Livestream hứa hẹn là một trong những công việc "hot" trong năm nay, khi Trung Quốc dự kiến đón lượng kỷ lục 11,7 triệu sinh viên tốt nghiệp tìm cách gia nhập thị trường lao động. Nhưng ngoài các ý kiến hưởng ứng, một số người cũng châm biếm về sự thu hút của livestream đối với người trẻ.
"Nữ sinh viên tốt nghiệp sẽ làm livestream, còn nam sinh viên đi giao đồ ăn. Các streamer thường đặt đồ ăn đến nhà khi đói, còn người giao hàng lại thường xem livestream khi muốn giải trí. Một vòng tròn hoàn hảo", CNA dẫn một lời bình luận phổ biến trên mạng xã hội của người Trung Quốc về livestream.
Đức Trung (Theo CNA)