Năm nay, ước tính khoảng 2,9 tỷ lượt người sẽ tham gia vào chuyến hành trình cuối năm để trở về nhà trước ngày giao thừa vào thứ hai tới. Tất cả bến xe, nhà ga, trạm tàu điện, sân bay đều trong cảnh tắc nghẽn và chật chội tạo thành cuộc di cư lớn nhất hành tinh.
Với dân văn phòng và giới công nhân, Tết Nguyên đán là dịp duy nhất trong năm họ có thể về đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lựa chọn kỳ nghỉ kéo dài một tuần ở nước ngoài. Fan Shasha, 27 tuổi, quản lý công ty truyền thông kỹ thuật số cho biết, thay vì trở về nhà ở Trịnh Châu, cô sẽ đưa bố mẹ đến Thái Lan và Singapore. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của cha mẹ cô.
“Chúng tôi sẽ có mặt tại Singapore vào đêm giao thừa bởi tôi cảm thấy bầu không khí năm mới tại đó tốt hơn. Tôi thích tới Singapore vì họ nói tiếng Trung và bố mẹ tôi sẽ không mất thời gian để làm quen tại đây.”
“Hơn thế, tôi muốn giải thoát cho bố mẹ tôi khỏi những phong tục truyền thống. Họ muốn tới nhiều thành phố khác nhau khi vẫn còn sức khỏe.” Fan chia sẻ. Điều này cũng thể hiện mong muốn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, thay đổi để trở nên tự do hơn, thay vì bó buộc trong những lễ nghi ngày tết.
Theo Tourism Australia, lượng du khách tới Australia trong dịp Tết nguyên đán tăng 57% so với năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 2, lượng khách Trung Quốc đến Australia đạt 250.000, chiếm một phần tư tổng lượng khách đến đây năm 2015. Hiện Trung Quốc là thị trường tiềm năng và có giá trị phát triển du lịch nhất tại Australia.
Các nước láng giềng khác của Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được hưởng lợi. Nhiều quốc gia dần loại bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục visa nhằm thu hút nhiều du khách Trung Quốc hơn. Ngoài ra, khách Trung Quốc đem lại một nguồn thu khổng lồ cho các nhãn hàng xa xỉ bởi người Trung Quốc dám chi mạnh tay hơn cả cho các món hàng hiệu, kể cả khi nó có đắt hơn nữa.
Xem thêm: Du khách Trung Quốc gây phẫn nộ vì bắt chim hải âu để chụp ảnh
Hải Thu