"Người giàu Trung Quốc đang dư dả tiền mặt", Wang (51 tuổi) - chủ một công ty Internet ở Thâm Quyến cho biết trên Reuters. Năm ngoái, bà mất tiền sau vụ một công ty tài chính hàng đầu trong nước sụp đổ.
Kể từ đó, Wang chỉ dùng tài khoản thanh toán, không gửi tiết kiệm hay đầu tư. Nhưng gần đây, bà bắt đầu nghiên cứu chương trình liên kết đầu tư giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong.
Từ năm ngoái, người đại lục bắt đầu đổ tiền sang đặc khu, trong bối cảnh các lựa chọn đầu tư trong nước hạn chế. Lãi suất ở Trung Quốc hiện khá thấp, bất động sản khủng hoảng, thị trường chứng khoán đi xuống và nhân dân tệ yếu đi so với USD.
Năm nay, xu hướng đầu tư này càng tăng tốc khi hồi tháng 2, giới chức đại lục nới lỏng quy định của chương trình liên kết. Xuất hiện từ cuối 2021, chương trình "kết nối tài sản" này cho phép người dân 9 thành phố tại tỉnh Quảng Đông (giáp Hong Kong) mua các sản phẩm đầu tư của ngân hàng tại Hong Kong và Macau.
Chương trình này giúp giá trị đầu tư của người đại lục tại đây tăng lên mức kỷ lục 13 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,8 tỷ USD) hồi tháng 3. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết mức này cao gấp 8 lần số liệu tháng 2. Đến tháng 4, con số này tiếp tục lên 22,3 tỷ nhân dân tệ.
Các công ty tài chính Hong Kong nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Vài năm qua, vị thế trung tâm tài chính của đặc khu chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và Bắc Kinh siết quản lý. Việc này khiến giới giàu chuyển hướng sang Singapore.
"Trung Quốc có khoảng 45 triệu người giàu. Họ muốn đổ tiền ra nước ngoài nhiều hơn cho đầu tư hoặc giáo dục", Maggie Ng - Giám đốc quản lý tài sản khu vực Hong Kong tại HSBC cho biết.
Một số ngân hàng tại đặc khu đưa ra mức lãi suất lên tới 10% một năm cho tiền gửi ngắn hạn qua chương trình liên kết. Trong khi đó, ở đại lục, lãi suất tiết kiệm hiện quanh 2%.
Theo số liệu của Ngân hàng HSBC Hong Kong, các tài khoản mới mở năm ngoái tăng gấp 3 so với năm 2019. Mức tăng chủ yếu nhờ nhóm người giàu ở Trung Quốc đại lục.
Horace Yep – Giám đốc Ngân hàng bán lẻ khu vực Hong Kong tại Citigroup cho biết nhà băng này ghi nhận số tài khoản mở mới cao kỷ lục năm ngoái. Xu hướng này năm nay vẫn rất mạnh.
Ngoài ngân hàng, các hãng bảo hiểm tại Hong Kong cũng thu hút người giàu Trung Quốc. So với đại lục, các hợp đồng bảo hiểm ở đây có phạm vi bảo vệ rộng và lãi suất cao hơn.
Dù vậy, chính quyền đại lục vẫn kiểm soát vốn khá chặt. Mỗi cá nhân chỉ được chuyển ra nước ngoài tối đa 50.000 USD một năm.
Các giám đốc quỹ tại Hong Kong đang yêu cầu giới chức nới lỏng thêm quy định đầu tư để đáp ứng nhu cầu của giới giàu Trung Quốc. Trên Reuters, Cơ quan Quản lý tiền tệ Hong Kong (HMA) cho biết "đã tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp phù hợp".
Hà Thu (theo Reuters)