Ngày 18/1, nữ diễn viên Trịnh Sảng bị cáo buộc bỏ rơi con song sinh tại Mỹ sau khi thuê người mang thai hộ. Sự việc thu hút dư luận và gây tranh cãi bởi thuê người mang thai vốn là hành động bất hợp pháp ở nước này. Các chủ đề liên quan đến vụ bê bối và mang thai hộ thu hút hơn 4,2 tỷ lượt xem trên trang mạng xã hội Sina Weibo. Một số cơ quan nhà nước chỉ trích sự vô trách nhiệm của Trịnh Sảng, đồng thời tăng cường tuyên truyền chống mang thai hộ.
"Trung Quốc nghiêm cấm tất cả hình thức mang thai hộ. Việc mang thai hộ và bỏ rơi trẻ em là vi phạm đạo đức và trật tự công cộng. Mạng người không phải đồ chơi", Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ý kiến hôm 19/1.
Tối cùng ngày, Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật cũng bình luận về vụ việc của Trịnh Sảng, cho nằng cô đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật và chắc chắn không vô tội. Theo Điều 3 của Bộ luật Hành chính Trung Quốc về Công nghệ Sinh sản có sự hỗ trợ của con người, ban hành năm 2001, các cơ sở y tế và nhân viên không được thực hiện bất cứ hình thức mang thai hộ nào.
Zhang Jing, luật sư về hôn nhân ở Bắc Kinh, cho rằng bê bối của Trịnh Sảng làm sáng tỏ một vùng xám đáng lo ngại tại Trung Quốc. Dù mang thai hộ là bất hợp pháp, những người trả tiền để ra nước ngoài thuê dịch vụ này sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật quốc gia.
Mang thai hộ có hai hình thức: cấy trứng đã thụ tinh của cặp cha mẹ vào tử cung của người mang thai hoặc sử dụng chính trứng của người mang thai và tinh trùng của người cha. Thủ tục này có thể là giải pháp hiệu quả cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Vì các tổ chức và chuyên gia y tế bị cấm hỗ trợ hành vi này, nhiều người tìm kiếm dịch vụ ở nước ngoài. Ukraina là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp mang thai hộ lớn nhất cho các bậc cha mẹ Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính mỗi năm có 2.500 đến 3.000 trẻ em được sinh ra nhờ mang thai hộ tại nước này, trong đó một phần ba là dành cho khách hàng Trung Quốc.
Theo Ulovebaby, đơn vị môi giới dịch vụ này, chi phí đẻ thuê là 50.000 USD. "Giá dao động tùy theo yêu cầu của khách hàng", Kang, nhân viên của công ty, cho biết. Một gói mang thai hộ được đảm bảo "thành công 100%" sẽ đắt hơn.
Kang từ chối cung cấp số lượng khách hàng thực tế tại Trung Quốc, song tiết lộ hơn 12.500 người đã tham khảo ý kiến của công ty. Kang và các đồng nghiệp thường xuyên quảng cáo dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Cứ ba đến bốn tuần, họ đăng tải hình ảnh hoặc video ngắn về một phụ nữ da trắng đang có bầu, khẳng định cả bà mẹ mang thai hộ và đứa trẻ đều khỏe mạnh.
Người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) muốn làm cha mẹ cũng là khách hàng tiềm năng. Trong một bài đăng hồi tháng 10/2020, công ty của Kang đã chia sẻ bức ảnh của một người phụ nữ trẻ cùng chiều cao, nhóm máu với dòng mô tả: "Đây là ‘cô gái cho trứng’ chất lượng cao chúng tôi mới ký hợp đồng. Tình trạng của cô ấy tốt đến mức đã cho tới 25 quả trứng".
Kang cho biết công ty anh sẽ chăm sóc các bà mẹ mang thai hộ. "Chúng tôi sắp xếp kiểm tra sức khỏe cho họ nhiều hơn các bệnh viện phụ sản trong nước", anh cam đoan.
Liu Ningguang, tổng giám đốc trụ sở Trung Quốc của công ty quốc tế Global Fertility Genetics chuyên cung cấp dịch vụ mang thai hộ, cho biết nhiều người Trung Quốc tới Mỹ để làm điều này một cách hợp pháp. Chi phí trung bình là 170.000 USD, bao gồm tiền khám, thuốc men, người đại diện và luật sư. Theo Liu, các bậc cha mẹ Trung Quốc phải hoàn tất xét nghiệm DNA, ký giấy khai sinh và giấy phép đi lại sau khi đứa trẻ được sinh ra mới được mang con về nước một cách hợp pháp.
Trong thời kỳ đại dịch, khi chính phủ áp đặt lệnh giãn cách xã hội, ngành công nghiệp mang thai hộ ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Trẻ sơ sinh mắc kẹt vì cha mẹ không thể nhập cảnh nước ngoài. Tại Mỹ, các bậc phụ huynh tương lai có thể thuê người giám hộ tạm thời, tránh tình trạng trẻ phải ở trong cơ sở y tế quá lâu.
Dù mang thai hộ tại Trung Quốc được coi là bất hợp pháp, nhiều công ty môi giới vẫn hoạt động chui. Yang, nhân viên tại một cơ sở ở tỉnh Quảng Đông, cho biết quy trình thuê người sinh con rất đơn giản.
"Trước khi đến đây, bạn cần khám sức khỏe tổng thể tại bệnh viện để biết thể trạng của bản thân, sau đó công ty sẽ làm thủ thuật kích thích rụng trứng (đối với người phụ nữ). Nếu muốn có bé trai, bạn nên chọn công nghệ thụ tinh ống nghiệm thế hệ ba, có giá khoảng 500.000 nhân dân tệ", Yang nói. Sau khi đứa trẻ chào đời, người mẹ đẻ thuê nhận được 180.000 đến 300.000 nhân dân tệ.
Luo Ruixue, chuyên gia về nữ quyền và bình đẳng giới, nhận định đẻ thuê là hình thức giúp nhiều phụ nữ trang trải cuộc sống. Song trong hầu hết các trường hợp, họ không được thông báo về rủi ro tiềm tàng. "Khác với công việc lao động trí óc hoặc chân tay, mang thai hộ có thể để lại hậu quả lớn", bà nói.
Nhiều bà mẹ "cho thuê tử cung" bị công ty quản lý bóc lột, lạm dụng và giam giữ trong điều kiện vô nhân đạo. Các đơn vị này thường nhắm đến phụ nữ trẻ, khó khăn về mặt tài chính và xã hội để tuyển dụng với lời lẽ có cánh. Ví dụ, một phụ nữ tại Ukraina có thể kiếm được 20.000 USD từ mang thai hộ, gấp hơn 8 lần so với thu nhập trung bình. Song cơ quan chức năng đã báo cáo nhiều trường hợp phụ nữ đẻ thuê bị đối xử tệ hại, quỵt tiền nếu sảy thai hoặc không tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt.
"Mọi người sợ rằng nếu chính phủ cho phép mang thai hộ, tử cung sẽ trở thành công cụ sản xuất, có thể bán hoặc cho thuê. Trong tình hình bất bình đẳng giới, nhiều phụ nữ lựa chọn nghề đẻ thuê, từ đó bị khinh rẻ", Luo nhận định.
Hầu hết người Trung Quốc đều phản đối việc mang thai hộ bởi họ không muốn coi trẻ em như món hàng hóa. Mối lo ngại đã khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa ngành công nghiệp vốn rất bùng nổ. Năm ngoái, Liên Hợp Quốc cảnh báo "mang thai hộ vì mục đích thương mại thường dẫn đến nạn buôn bán trẻ em".
Thục Linh (Theo Global Times, BBC)