Ngày 14/6, tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết đây là bệnh viện thứ 5 ở Việt Nam và thứ ba tại TP HCM được phép triển khai kỹ thuật này, sau Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Từ Dũ và Mỹ Đức.
Theo quy định, cơ sở y tế muốn thực hiện dịch vụ mang thai hộ phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong 2 năm liên tiếp, mỗi năm cơ sở thực hiện được tối thiểu 1.000 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm.
Cặp song sinh nhờ mang thai hộ đầu tiên TP HCM chào đời năm 2016. Ảnh: Lê Phương. |
Từ ngày 15/3/2015, nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực. Việc pháp luật cho phép mang thai hộ đã mở ra cơ hội được làm cha mẹ thực sự cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Cặp vợ chồng mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị đến cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện với đầy đủ các cam kết, xác nhận, thỏa thuận theo quy định. Cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý, các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai.