Lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng, cô tập trung vào hơi thở, thoát khỏi những bộn bề về công việc, gia đình và tìm thấy trạng thái thoải mái trong thiền định.
Để có được giấc ngủ ngon, Maggie trước đó chi hàng nghìn nhân dân tệ để mua một chiếc chăn trọng lực. Cô đổi từ gối cao su Thái Lan sang gối cao su non TPE, rồi trở lại dùng gối kiều mạch truyền thống. Cô cũng mua một chiếc mặt nạ xông hơi cho mắt, thử sử dụng thiết bị hỗ trợ giấc ngủ bằng dòng điện và nhiều loại máy móc trong, ngoài nước.
Đến nay, Maggie cho rằng thiền là liệu pháp hiệu quả nhất. Cô thỉnh thoảng bỏ tiền để mua các gói tập trong ứng dụng. Maggie không thể tính toán cụ thể chi phí đã bỏ ra để có giấc ngủ ngon, song cô cho rằng con số không hề nhỏ.
Maggie không phải người duy nhất tại Trung Quốc đầu tư hàng nghìn nhân dân tệ vào giấc ngủ. Theo dữ liệu của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, trong năm 2021, nước này có 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ. Khảo sát của iiMedia Research Consulting chỉ ra rằng 57,41% số người được hỏi bị mất ngủ từ một đến 7 ngày trong tháng, 2,96% bị mất ngủ kinh niên.
Kể từ năm 2016 đến năm 2020, quy mô tổng thể của ngành công nghiệp giấc ngủ tại Trung Quốc tăng từ 261,63 tỷ nhân dân tệ lên 377,86 tỷ nhân dân tệ, tức là tăng trưởng 44,42%, dự đoán tiếp tục duy trì xu hướng này.
Tuy nhiên, đối với một số người, hàng nghìn USD cho một chiếc gối nhập khẩu không đồng nghĩa với giấc ngủ ngon.
"Tôi thực sự không thể nào chợp mắt được", Ding Yi nói. Sau chuyến đi từ Munich (Đức) trở về Bắc Kinh, cơn mất ngủ khiến cơ thể cô như bị thế lực nào đó điều khiển vào ban đêm. Cô chỉ thiếp đi 5 phút mỗi tối, và thức trắng thời gian còn lại, từ đêm đến rạng sáng.
Ban đầu, Ding Yi bị lệch múi giờ vì thời gian giữa châu Âu và Trung Quốc cách nhau 6 tiếng. Nhưng những ngày sau đó, nỗi sợ hãi vô hình khiến chứng mất ngủ của cô trở nên trầm trọng. Trong đêm tối, Ding Yi quẹt điện thoại không ngừng, mong muốn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Cô lướt qua một bài báo chỉ ra nguyên nhân gây mất ngủ. "Ánh sáng từ màn hình thiết bị điện tử cản trở quá trình tiết melatonin (hormone gây buồn ngủ) và làm lệch nhịp sinh học, từ đó trì hoãn thời gian chìm vào giấc ngủ. Các thiết bị điện tử thế hệ mới sử dụng ánh sáng xanh trên màn hình, thường phát ra bước sóng ngắn nhạy cảm với melatonin, ức chế đáng kể việc tiết chất này và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ", bài báo viết.
Ding Yi thất vọng và ném điện thoại xuống gầm giường. Nhìn lên trần nhà, cô tưởng tượng nếu chiếc đèn chùm đang đung đưa qua lại, cô sẽ bị thôi miên. Những suy nghĩ ấy cũng không khiến cô chìm vào giấc ngủ.
Trên Douban (mạng xã hội Trung Quốc), một nhóm bạn trẻ gặp tình trạng như Ding Yi và thường xuyên hoạt động về đêm. Họ bị rối loạn giấc ngủ ở nhiều mức độ khác nhau. Nhiều người người khó đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc, số khác có chất lượng giấc ngủ kém. Trong hội nhóm, các thành viên chia sẻ những phương pháp chữa chứng mất ngủ, một số có phần đắt đỏ.
Bên cạnh thiền định như Maggie, nhiều người lựa chọn liệu pháp âm thanh. Người dùng Douban thường nghe các bản nhạc là hợp âm của 7 kim loại vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì và kẽm. Chúng được cho là giúp cơ thể thư giãn, có tác dụng nhất định với người mất ngủ. Các bản nhạc này được bán theo gói. Giá của một gói trị liệu bằng âm thanh dao động từ 400 đến 800 tệ (62-125 USD). Có người cho rằng nghe âm thanh của ô tô khiến cơ thể thanh thản, nhẹ nhõm hơn.
Một số người mua nút tai chống ồn, miếng dán hỗ trợ giấc ngủ, gối áp suất "công nghệ đen", dùng dụng cụ kích thích bằng dòng điện siêu nhỏ, mặt nạ mắt phát ra ánh sáng cam,...
Chứng mất ngủ mở ra thị trường thương mại rộng lớn. Theo số liệu khảo sát của iiMedia Research vào năm 2021, khi đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, 40,3% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chọn mua các sản phẩm hỗ trợ. Mức độ ưa thích các sản phẩm này tương đối cao. Tuy nhiên, khoảng 57% còn lại cho rằng các công cụ hỗ trợ không có nhiều tác dụng thực tế, khó giải quyết tận gốc vấn đề mất ngủ.
Tất cả các doanh nghiệp dường như nỗ lực hết sức để truyền đi thông điệp: "Mất ngủ là một căn bệnh, cách chữa trị là mua, mua và mua thêm càng nhiều sản phẩm càng tốt".
Tuy nhiên, họ không đề cập đến nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này. Theo các chuyên gia, triệu chứng của rối loạn giấc ngủ là khó đi vào ngủ ban đêm, ngủ ngắn, thường xuyên mơ, khó ngủ lại sau khi thức dậy vào nửa đêm. Ban ngày, người gặp chứng mất ngủ cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, suy giảm trí nhớ và khó chịu. Một người được xác định là "mất ngủ kinh niên" nếu có từ hai triệu chứng trở lên, kéo dài hơn ba tháng.
Nhiều lý do khiến người trẻ Trung Quốc không thể ngủ về đêm, chủ yếu chia thành yếu tố sinh lý, tâm lý và môi trường. Lý do phổ biến là thành tích thấp trong kỳ thi tuyển sinh, trượt đại học, chia tay người yêu, thất nghiệp, lo lắng về tuổi tác,... Trong số đó, có người không ngủ được, cũng có người không muốn đi ngủ.
Phương pháp khắc phục chứng mất ngủ không phải thay đổi độ sáng màn hình, mua thêm đèn đầu giường hay chăn trọng lực, mà là giảm bớt khối lượng công việc kéo dài, giữ tinh thần thoải mái vào ban ngày.
Nghiên cứu chỉ ra rằng con người đã gặp chứng khó ngủ từ những năm đầu đời. Các bậc cha mẹ luôn phải trải qua giai đoạn "mất ăn mất ngủ" trong hành trình nuôi dạy con cái. Chứng mất ngủ ở trẻ em thường tự biến mất theo thời gian.
Tuy nhiên, khi đã lớn, con người khó tự chữa chứng mất ngủ. Các nhà khoa học chỉ ra một nghịch lý: tình trạng mất ngủ đôi khi xảy ra do con người quá tập trung khắc phục vấn đề này.
Trong cuốn sách Cách mạng giấc ngủ, tác giả Nick Littlehals cho biết "ngủ 8 tiếng" thực ra là một khái niệm khá hiện đại. Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, người dân trên thế giới hầu như không ngủ đủ 8 tiếng, song họ cũng không quá lo lắng về vấn đề giấc ngủ.
"8 tiếng là thời gian ngủ trung bình của mỗi người hàng đêm nhưng bằng cách nào đó, nó trở thành thời gian ngủ được khuyến nghị phổ biến. Những căng thẳng về vấn đề này có tác động ngược lại, tàn phá đến giấc ngủ", Littlehales nói.
Thục Linh (Theo Paper)