Phái đoàn Triều Tiên tới Singapore hồi đầu tuần trước để tham dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo nước này và Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu tỏ ra hoài nghi khi thấy Gim Joo Hyung, 25 tuổi, nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ của họ, theo Channel News Asia.
Sĩ quan Gim, người sinh ra tại Hàn Quốc nhưng chuyển tới Singapore sống từ nhỏ, phục vụ trong Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ Bờ biển. Anh được điều động đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Trump - Kim.
Công việc của Gim là làm phiên dịch viên chính cho Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Singapore (SPF) và cung cấp thông tin về các biện pháp an ninh. Khi cần, Gim cũng có thể phiên dịch cho cả phái đoàn Triều Tiên lẫn phía Singapore.
E dè
Khi SPF yêu cầu Gim làm công việc phiên dịch, phản ứng đầu tiên của anh là e dè và lo lắng bởi anh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật. Gim cuối cùng chấp nhận lời đề nghị nhờ sự khuyến khích từ cha mẹ anh. Họ đều là người Hàn Quốc và đã bảo với Gim rằng "việc con trai mình có thể đóng góp công sức cho hội nghị thượng đỉnh này, dù nhỏ bé, mang ý nghĩa lớn lao đối với họ".
Nhiệm vụ của Gim bao gồm phiên dịch những thông tin mật cho đến các công việc phổ thông hơn, chẳng hạn như chỉ đường hay chuyển lời phàn nàn của phái đoàn Triều Tiên cho bộ phận phụ trách trong thời gian họ lưu lại khách sạn ở Singapore.
"An ninh là vấn đề quan trọng nhất khi các phái đoàn nước ngoài đến Singapore", Gim chia sẻ. "Vậy nên, việc này đòi hỏi phải có sự trao đổi thông suốt giữa đội ngũ an ninh Triều Tiên và cảnh sát Singapore. Thách thức lớn nhất là rào cản ngôn ngữ".
"Tôi đã nghĩ về những khó khăn mình có thể đối mặt bởi lớn lên ở Singapore, tôi không giỏi tiếng Hàn lắm và người Triều Tiên lại nói với ngữ điệu khác. Họ nói nhanh hơn. Họ dùng những từ ngữ khác", Gim cho hay.
Một vấn đề nữa là việc Gim mặc đồng phục cảnh sát nhưng có tên Hàn Quốc và nói tiếng Hàn. "Vấn đề nhạy cảm nhất lại nằm ở tôi, một người Hàn Quốc. Tôi sẽ phải nói chuyện với một người Triều Tiên. Nếu họ biết tôi là người Hàn, họ có thể không muốn nói chuyện với tôi. Họ có thể không phản ứng trước những gì tôi nói", Gim chia sẻ.
Tuy nhiên, Gim cho biết khi gặp phái đoàn Triều Tiên, họ đã "rất, rất ngạc nhiên" vì thấy anh nói được tiếng Hàn. Thông qua Gim, họ tích cực tương tác với cả các quan chức an ninh cấp thấp và cấp cao để thảo luận mọi việc liên quan đến công tác chuẩn bị.
"Những người cấp cao, họ nói 'Anh bạn nói khá trôi chảy đấy. Tôi đáp 'Vâng, tôi có dòng máu Hàn trong người. Tôi không nhận tôi là người Hàn Quốc nhưng họ hoàn toàn thoải mái với chuyện này", Gim cho biết.
"Đối với những người bình thường khác trong đội bảo vệ, khi ai đó hỏi họ điều gì, họ sẽ không trả lời bởi họ không ở vào vị thế có thể đưa ra quyết định. Nhưng họ tìm đến tôi để hỏi, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất. Đấy là lúc tôi biết mình được họ tin tưởng", Gim nói.
Lạnh lùng, tránh giao tiếp bằng mắt
Sĩ quan an ninh Terrence Lee cũng có trải nghiệm giống Gim khi anh được giao nhiệm vụ bảo vệ khách sạn Capella, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim, trước các mối đe dọa về hóa học, sinh học, hạt nhân và chất nổ.
Dù từng làm nhiệm vụ tương tự trước đây, Lee cho hay anh vẫn cảm thấy lần này khó khăn hơn bởi nó liên quan tới hai phái đoàn nước ngoài cùng lúc. Việc điều động lực lượng được thực hiện hai ngày trước thời điểm hội nghị với sự chứng kiến của đại diện Mỹ và Triều Tiên.
Về phía Mỹ, mọi chuyện dễ dàng hơn với Lee bởi cả hai đội ngũ đều nói tiếng Anh. Các thành viên hai đội thân thiện với nhau, thậm chí còn chia sẻ những kỹ thuật rà phá bom mìn trong lúc cùng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với phía Triều Tiên, việc tương tác, trao đổi gặp khó khăn bởi họ không dùng chung ngôn ngữ. Cuối cùng, đội của Lee phải dùng đến ngôn ngữ cơ thể bởi họ không được phân phiên dịch viên.
Ví dụ, cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn tự mình kiểm tra một số phòng mà không cần đội của Lee thực hiện. Để truyền đạt yêu cầu, phía Triều Tiên sẽ ra hiệu bằng tay.
"Chúng tôi không thể kết nối. Họ không thể dịch sang tiếng Anh nên chúng tôi không thể giao tiếp", Lee kể.
Mặt khác, họ cũng không có nhiều cơ hội tìm hiểu lẫn nhau bởi các ca trực thay phiên liên tục. "Họ tự thay ca với nhau. Về cơ bản, chúng tôi còn không có thời gian để chuyện trò thực sự", Lee nhớ lại.
Ngay cả khi có thời gian nói chuyện, chẳng hạn như lúc chờ phái đoàn của lãnh đạo Kim Jong-un hoàn thành khâu nhập cảnh, kiểm tra an ninh vào Singapore, người Triều Tiên cũng rất kiệm lời, Lee cho hay. "Họ vô cùng chuyên nghiệp và tránh giao tiếp bằng ánh mắt với bạn cho đến khi lãnh đạo của họ đi qua".
Lời mời ăn mỳ lạnh ở Bình Nhưỡng
Gim tiết lộ mối quan hệ giữa anh với các quan chức Triều Tiên dần trở nên bớt nghiêm nghị khi họ gặp nhau nhiều hơn. "Buổi sáng, họ sẽ chào tôi... Khi tôi nói với họ trước, họ sẽ đáp lại bằng câu hỏi, kiểu như 'Anh đã dùng bữa trưa chưa?'", Gim kể.
Dù thời gian trò chuyện, tương tác với nhau không nhiều, các thành viên phái đoàn Triều Tiên tỏ ra khá gần gũi với Gim, thậm chí họ còn mời anh và những người còn lại trong đội an ninh thuộc SPF đến Bình Nhưỡng.
"Lúc họ rời đi, họ nói với tôi rằng 'Lần sau, hãy gặp nhau ở Bình Nhưỡng và ăn món mỳ lạnh Bình Nhưỡng'. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên nhưng xen lẫn thích thú", Gim kể và thêm rằng anh đã nhận lời mời.
Trải nghiệm này làm thay đổi suy nghĩ của Gim về người Triều Tiên, vốn được khắc họa trên truyền thông giống như những người thô lỗ, cứng nhắc và giàu tính kỷ luật quân sự.
"Tối biết họ coi trọng những nỗ lực của tôi và SPF, vậy nên lúc chia tay, họ mới mời chúng tôi ăn mỳ lạnh Bình Nhưỡng ở quê nhà của mình. Khi họ cảm ơn các thành viên SPF, họ nói rằng 'Chúng tôi mong muốn sớm được gặp các bạn ở Bình Nhưỡng'. Điều đó cho thấy họ đánh giá cao và biết ơn chúng tôi thế nào. Họ quả là những người tốt", Gim chia sẻ.