Tour Chữ Tâm và Tài được bảo tàng Văn học Việt Nam ra mắt cuối 2022, duy trì vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, tại Hà Nội.
Du khách ở mọi lứa tuổi được biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của nhiều thế hệ tác giả Việt Nam, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh. Tên gọi của chương trình lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
![Trong chuyến tham quan bảo tàng văn học Việt Nam, Nguyễn Thu Thủy (22 tuổi, Hà Nội) nói: Ở đây, tôi ấn tượng nhất với tour du lịch văn học Chữ Tâm, chữ Tài. Sự kiện giúp tôi hiểu được tiến trình của nền văn học nước nhà. Sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng khiến không khí thêm thiêng liêng, hào hùng khi bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên - Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt được cất lên. Mở đầu với tiếng trống cùng giọng đọc hào hhùng khiến tôi cảm giác được hoá thân về thời kì mà quân và dân ta đánh đuổi quân Tống xâm lược. Phần đặc sắc nhất tại không gian trưng bày là các hiện vật và tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Cảnh Quân](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2023/07/06/anh-bao-tang-2-du-khach-tham-q-4909-2899-1688636445.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Dot-yUcynjvkdnxK8NitAA)
Khán giả Thu Thủy cho biết tour tham quan 90 phút giúp cô hiểu thêm phần nào về các tác giả - tác phẩm văn học nước nhà. Ảnh: Cảnh Quân
Nguyễn Thu Thủy, 21 tuổi, là một trong những khách của tour ngày 16/7. Đam mê văn học, dịp nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Du để làm khóa luận tốt nghiệp, Thủy mong muốn chuyến tham quan giúp cô tích lũy thêm kiến thức.
Chương trình bắt đầu với trải nghiệm gánh chữ. Mỗi người sẽ được gánh những chiếc đèn lồng thắp sáng có in hai chữ "Tâm" - "Tài", để vào "ngôi đền văn chương". Tại đây, khách tham quan được cảm nhận chi tiết các tác phẩm văn học, cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ.
>>> Không gian Bảo tàng Văn học Việt Nam
Khách tham quan tiếp tục trải nghiệm hình ảnh "Hòn đá thiêng", hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bài thơ, tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, những bức thư tình của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi nhà thơ Xuân Quỳnh. Kết thúc tour, mọi người được tham gia một số hoạt động trải nghiệm trên tầng ba của bảo tàng như: Giải đố ô chữ, viết thư pháp, trà đạo.
Điểm nhấn của chương trình nằm ở không gian văn học cận hiện đại. Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao xuất hiện với hai bước ngoặt. Thứ nhất, Chí Phèo từ một con người hiền lành, lương thiện, bị đẩy vào con đường tù tội, trở thành lưu manh. Thứ hai, Chí Phèo từ một kẻ tha hóa, vùng lên đòi được sống lương thiện. Sau đó, trích đoạn Thị Nở và Chí Phèo với bát cháo hành trong vườn chuối được tái hiện, gợi lên cho người xem hiểu thêm về giá trị nhân văn của truyện ngắn làm nên tên tuổi Nam Cao.
![Các bạn trẻ tham gia diễn kịch - hóa thân thành nhân vật Chí Phèo, Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, phục vụ Tour du lịch văn học Chữ Tâm chữ Tài.Tour du lịch văn học Chữ Tâm chữ Tài là điểm sáng trong các hoạt động của bảo tàng. Tên gọi được lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Lịch khởi hành cố định diễn ra vào 19 giờ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trong thời lượng 90 phút.Tour du lịch văn học Chữ Tâm chữ Tài truyền tải cảm xúc về những tác giả văn học nổi tiếng của Việt Nam, từ văn học cổ trung đại tới nay: Tham quan vườn tượng 20 danh nhân văn học, Gánh tâm gánh tài vào cửa ngôi đền văn chương Việt Nam, Không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, Chữ viết lưu truyền thơ văn như thế nào?. Ảnh: Bảo tàng văn học Việt Nam](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2023/07/06/anh-bao-tang-1-doan-trich-chi-4331-8048-1688636444.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6_87EoqVWoD_xnTocbvTvg)
Các bạn trẻ tham gia diễn kịch - hóa thân thành nhân vật Chí Phèo, Thị Nở trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Ảnh: Bảo tàng văn học Việt Nam
Chương trình có sự tham gia của nhiều bạn nhỏ. Theo khán giả Vũ Anh Thư, 10 tuổi, học sinh Tiểu học Hùng Vân (Tuyên Quang), những buổi học văn trên lớp chưa tạo cho em sự thú vị. "Khi tham gia tour, em thấy có nhiều hứng thú hơn với các tác phẩm văn học. Em ấn tượng một số tác phẩm, như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài", Anh Thư nói.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga, Viện Văn học, MC chính của tour cho biết: "Khi dẫn chương trình, tôi quan sát thấy có khán giả không phù hợp với một số nội dung. Các bạn nhỏ chưa được học Truyện Kiều sẽ không hiểu được những giá trị tác phẩm này đem lại. Để phục vụ khán giả thiếu nhi, chúng tôi sẽ triển khai thêm nội dung về những tác giả văn học của dòng sách này, gắn với nội dung các bạn được học tại trường".
Bảo tàng thành lập tháng 11/2011, mở cửa đón khách tham quan từ tháng 6/2015. Hiện nay, bảo tàng trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu, được chọn từ 55.000 di sản, chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
Bảo tàng Văn học Việt Nam được được xây dựng trên diện tích 3.600 m2, gồm hai phần trưng bày: trong nhà và ngoài trời. Video: Thu Thủy
Cảnh Quân