Tại Bệnh viện Bình Dân, bệnh nhân được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng, được cầm máu bằng phương pháp ngoại khoa và điều trị vết loét. Sau 10 ngày, tình trạng nam sinh ổn định, song phải theo dõi, dùng thuốc tại nhà.
"May mắn bệnh nhân ở gần nên không mất nhiều thời gian để đến bệnh viện, nếu ở xa, không gần cơ sở y tế, có thể nguy hiểm tính mạng vì mất nhiều máu", BS.CK2 Nguyễn Phúc Minh, điều hành khoa Ngoại Tiêu hóa, nói.
Trường hợp khác, nam, 18 tuổi, thường xuyên thức khuya để ôn thi, học thêm nhiều ca một ngày, lịch sinh hoạt bị đảo lộn. Do áp lực học hành, người bệnh lo lắng, căng thẳng, ăn kém, ngủ ít. Một ngày trước môn thi tốt nghiệp đầu tiên, nam sinh đau bụng dữ dội, co cứng như gỗ, được gia đình đưa đi cấp cứu.
"Khi đó, người nhà yêu cầu chúng tôi kê thuốc giảm đau để em có thể tiếp tục về đi thi nhưng khi khám thấy ổ loét đã thủng", bác sĩ Minh kể, thêm rằng không còn cách nào khác ngoài phải mổ cấp cứu nội soi khâu vết thủng. Bệnh nhân buộc hoãn thi, ra viện sau 7 ngày điều trị, theo dõi tái khám.
Thủng ổ loét là biến chứng nặng nề của bệnh viêm dạ dày tá tràng. Tỷ lệ biến chứng loét dạ dày, tá tràng khoảng 10-20%, trong đó thủng chiếm 2-14%. Nếu phát hiện và xử trí muộn, bệnh nhân có nguy cơ tử vong từ 2,5 đến 10%.
Theo thống kê mới nhất của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, 70% dân số hiện nay có nguy cơ mắc bệnh dạ dày và nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori), vi khuẩn được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác nhân chính gây ung thư dạ dày. Người ung thư dạ dày đang dần trẻ hóa, nhóm dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số người trẻ viêm loét dạ dày, chỉ ghi nhận sự gia tăng ca bệnh ở các cơ sở y tế. Như ở Bệnh viện Bình Dân, mỗi ngày 6 phòng khám của khoa Ngoại tiêu hóa tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân ngoại trú, trong đó 2/3 được chẩn đoán có triệu chứng viêm loét dạ dày. Theo bác sĩ Minh, con số chưa đáng kể, song số lượt thăm khám các bệnh liên quan dạ dày tại đây có xu hướng tăng và ngày càng phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, người lao động trẻ.
Nguyên nhân chính là nhiều người trẻ có lối sống thiếu khoa học, ăn uống không điều độ (khẩu phần ăn chứa nhiều chất cay, nóng), ăn quá no, tiêu thụ nhiều rượu, bia, thuốc lá và lười vận động sau khi dùng bữa. Đây là những tác nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng viêm, loét dạ dày.
Bên cạnh đó, áp lực trong học tập, đời sống như căng thẳng thi cử hay nghiện game cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe dạ dày. Ngoài ra, các triệu chứng đau dạ dày sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu được chẩn đoán có nhiễm khuẩn HP.
Phác đồ điều trị bệnh nhân viêm dạ dày cấp không có vết loét sẽ gồm thuốc uống, điều chỉnh lối sống 1-2 tuần hoặc các biện pháp thăm dò khác và giữ cho bệnh không tái phát. Trường hợp loét nặng phải mất 1-2 tháng để theo dõi, điều trị tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng loét của bệnh nhân. Nếu nhiễm HP, cần tối thiểu 6 tuần để kết hợp nhiều loại kháng sinh nhằm điều trị dứt điểm.
Đồng thời, viêm dạ dày mãn tính sẽ xuất hiện khi các trường hợp cấp tính nếu không được chữa trị dứt điểm hoặc bệnh nhân coi nhẹ, chủ quan với tình trạng bệnh. Từ đó, trường hợp viêm nguy cơ diễn tiến thành xuất huyết dạ dày, nhiễm trùng vùng ổ bụng, viêm phúc mạc, thậm chí ung thư dạ dày. Trong một số trường hợp, vi khuẩn HP có thể kháng thuốc đặc trị đối với các bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính, khiến quá trình chữa trị kéo dài, phức tạp và tốn kém hơn.
Để phòng ngừa viêm, loét dạ dày và những biến chứng nguy hiểm liên quan, bác sĩ Minh khuyến cáo người trẻ cần lắng nghe cơ thể. Khi có các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, đau vùng thượng vị... kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị thích hợp. Khám và tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn sớm những triệu chứng tiềm ẩn của viêm dạ dày, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kiến Lập - Mỹ Ý