Hồi mới về làm tại một doanh nghiệp lớn, tôi chứng kiến hầu hết các cuộc họp đều im phăng phắc, chỉ có âm thanh của quạt kêu và tiếng vị lãnh đạo vang vang. Vài nhóm nhân viên khom lưng cúi gối tìm góc nào kín nhất phòng, ngồi nép vào nhau để khuất tầm mắt của sếp. Họ hy vọng không bị sếp "sờ" đến.
Có lần tôi lon ton đến ngồi hàng ghế trên. Sếp phát biểu xong, hỏi: "Ý kiến cô thế nào?". Là nhân viên mới, tôi vô tư nói tuột ra hết suy nghĩ của mình. "Cô nên nói ít đi thì hơn", một bác trưởng phòng nói nhỏ với tôi lúc ra về. Từ đó, tôi cẩn trọng và bớt lời hơn trong các cuộc họp. Đồng nghiệp tôi bảo, "giấu mình" là để "giữ mình" được yên, tránh điều tiếng, tránh bị chú ý là tránh được phiền toái. Mọi người nửa đùa nửa thật nhắc nhau phải học thuộc lòng hai điều. Điều 1: sếp luôn đúng; điều 2: khi sếp sai, xem lại điều 1.
"Những người đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính, cứ bo bo vào, người ấy chưa chắc đã tốt", trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương vừa qua, tôi thấy báo chí tường thuật phát biểu của người đứng đầu. Có lẽ chúng ta đều thấy văn hóa mũ ni che tai trở nên bình thường ở bất cứ môi trường nào: trong các cơ quan công sở, trong các lớp học, gia đình.
Là giảng viên, tôi và nhiều đồng nghiệp nhận thấy dường như càng lớn, người học càng trở nên ngại phát biểu chứ không "tranh nhau" nói như hồi tiểu học. Khi thầy cô đặt câu hỏi, đa phần sinh viên cúi đầu, ngoảnh mặt hoặc nhìn nhau thăm dò. Khi có thắc mắc muốn hỏi, nhiều bạn ngần ngại, tặc lưỡi bỏ qua.
Quanh ta, nhiều gia đình vẫn coi trọng việc trẻ con phải nghe lời người lớn, dù cha mẹ không phải khi nào cũng đúng. "Con cãi cha mẹ trăm đường con hư", làm con thì phải vâng lời, nói nhiều, hỏi nhiều chỉ gây mệt mỏi phiền toái, cấm phản đối, "vặc" lại ý kiến của cha mẹ. Hàng xóm nhà tôi có cậu con trai 9 tuổi thường xuyên đặt câu hỏi cho mẹ và đôi khi dùng lý lẽ bắt bẻ lại người lớn. Tôi nghe cô quát: "Học bài không học toàn đi hỏi những câu linh tinh vớ vẩn, học đâu cái thói lý sự cãi mẹ. Thế là hư".
Cô ấy làm tôi nhớ hồi còn học trung học, tôi thường xuyên giơ tay phát biểu. Khi có điều thắc mắc, kiểu như: tại sao trong tiếng Anh số nhiều lại thêm "s" chứ không phải là x, y, z; tại sao tiếng Pháp lại có giống đực và giống cái,... tôi đứng lên hỏi cô. Nhưng câu trả lời tôi nhận được là: "Em sang Anh mà hỏi"; "Cái này thì có Tây mới biết". Cùng với nụ cười bí hiểm của cô, tràng cười của cả lớp khiến tôi ngượng ngùng ngồi xuống. Một lần, đứa bạn rỉ tai tôi: "Mọi người nói mày thích nổi hay sao mà phát biểu và hỏi nhiều thế?". Lên đại học, tôi ít phát biểu hơn. Càng lớn tôi càng trở nên nhút nhát và e ngại nhiều thứ. Tôi thấy xung quanh mình mọi người đều như vậy. Có lẽ "được" giống cộng đồng, hoà hợp với số đông luôn dễ sống hơn, an toàn hơn.
Biết bao đứa trẻ như chúng tôi, từ bé đến lớn được cha mẹ, thầy cô và sếp "dạy" đi dạy lại bài học rằng: nếu muốn được yêu quý, được khen ngợi thì hãy vâng lời, chấp nhận và ngoan ngoãn làm theo. Rằng nếu muốn được yên thân, không bị hiềm khích, không bị ghẻ lạnh thì hãy trật tự, chỉ đâu đánh đấy, đừng cố cãi, đừng đấu tranh kẻo không có chỗ mà tránh đâu. Đó cũng là cách hành xử của văn hoá phong kiến còn rơi rớt lại - nơi coi trọng "tôn ti trật tự", thứ bậc. Lời của người "bề trên" luôn là khuôn vàng thước ngọc hay mệnh lệnh bất di bất dịch, nếu kẻ dưới không tuân theo là bất trung, bất hiếu, bất nghĩa.
Ở một chiều nào đó, hoà hợp với cộng đồng mình đang sống và làm việc là tốt. Nhưng "tốt" tới nỗi đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính thì lại thành người không tốt. Chúng ta đều từng chứng kiến những người thấy điều chướng tai gai mắt mà như không thấy, việc trái đạo lý mà không phản ứng - mặc nhiên coi nó như lẽ phải; người học không hiểu bài và hổng kiến thức nhưng làm thinh không dám hỏi; con cái bức xúc với cha mẹ nhưng kìm nén không dám nói, và có đứa trẻ trở thành cô độc ngay trong chính nhà mình.
Một trong những lý do khiến người Do Thái trở thành dân tộc xuất chúng tôi đọc được là họ khuyến khích phản biện và không câu nệ cấp bậc trong xã hội. Ông chủ pha cà phê cho nhân viên, cấp dưới đá mông sếp để trêu đùa. Thanh niên 20 tuổi có thể được ra những quyết định đầy hệ trọng trong tổ chức. Còn với Việt Nam, lối tư duy bề trên kẻ dưới vẫn bám sâu gốc rễ vào cách sống, làm việc, kéo lùi sự tiến bộ của mỗi cá nhân và xã hội. Cỗ máy nào đã khuyến khích chúng ta ứng xử như vậy?
Ngay cả ở diễn đàn Quốc hội, nơi bàn bạc và quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhất của đất nước, của nhân dân, tiếng nói phản biện cũng trở nên quý hiếm. Mỗi khi có đại biểu dám nói thẳng nói thật, các mặt báo đồng loạt tường trình. Tiếc là, sự "bất thường" đó không diễn ra liên tục trên nghị trường.
"Đặc biệt coi trọng chất lượng nhân sự" là điều được nhấn mạnh trước thềm Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội khóa mới. Phẩm chất quan trọng của những người có trọng trách tôi cho rằng không gồm văn hóa "mũ ni che tai". Sự thay đổi tư duy cấp bậc trong công việc, ngay bây giờ, bắt đầu từ chính những người "bề trên" chứ không phải kẻ dưới. Lãnh đạo, sếp, cha mẹ, thầy cô, mỗi người lớn nếu khích lệ "bậc dưới" bày tỏ quan điểm, dùng tri thức để bảo vệ cái đúng, phản đối cái sai; đồng thời cởi mở đón nhận những điều không "ngọt tai, ngọt giọng", ấy là bước đầu của đổi thay.
Sự tiến bộ của xã hội không chỉ bị cản trở bởi kẻ xấu, mà còn bởi chính những "người tốt", "người hiền" - những người ngại va chạm với cái xấu nên xuề xòa bỏ qua. Không dám vạch trần tiêu cực, cố đóng vai "dĩ hòa vi quý" ở vị trí có trách nhiệm là dung túng cho cái xấu lộng hành.
Đỗ Hải