Các chủ cây xăng tại nhiều địa phương tiếp tục vi phạm đo lường. Ảnh: Anh Tuấn |
Tại Tây Ninh, địa phương có nhiều cơ sở vi phạm nghiêm trọng trong đợt thanh, kiểm tra toàn quốc vừa qua, 18 đơn vị được tiến hành phúc tra thì có đến 5 đơn vị tiếp tục tái phạm với 6/36 cột đo. Trong đó, 1 đơn vị sử dụng con chíp điện tử để điều chỉnh sai số, số còn lại có sai số cột đo từ 2,77% đến 9,89% (theo quy định, tối đa chỉ là 0,5%). Tại Bình Dương, đoàn thanh tra đã phát hiện một cơ sở bán xăng M90 với giá xăng M92, một cây xăng lặp lại thủ đoạn gắn công tắc phụ để điều chỉnh ăn bớt 6,5% số xăng bán cho khách.
Nhiều vi phạm nhất trong đợt phúc tra này là Quảng Ngãi. Trong số 10 cơ sở được thanh, kiểm tra lại thì có đến 6 đơn vị sử dụng cột bơm sai số vượt quy định, phổ biến từ 0,7% đến trên 1%, cá biệt sai đến 2,5% và 2,6%. Đáng chú ý là các trường hợp sai quá quy định cho phép đều có giấy chứng nhận kiểm định đang còn hiệu lực - thậm chí có cột mới kiểm định chưa được 1 tháng đã lại sai số đến 2,5%.
Việc niêm chì bộ số tổng tại các cột bơm xăng dầu được đánh giá là biện pháp chống gian lận khá hiệu quả. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, đang có nhiều cột bơm bị rút dây điện tại bộ số tổng mặc dù niêm chì còn nguyên, nên khi bơm hoạt động số đồng hồ tổng không chạy.
Những kết quả của đợt phúc tra này đặt ra vấn đề nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trao đổi với VnExpress, chánh thanh tra các sở cho rằng, việc tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh xăng dầu 1 năm/lần tỏ ra không hiệu quả khi các đơn vị nắm được quy luật này, chủ động đối phó. "Cần phải nâng tần suất và tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thì mới giảm nhanh được vi phạm", chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi nói.
Còn ông Liêu Đình Vọng, Giám đốc Sở Công nghiệp Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn kiến nghị: "Để người tiêu dùng không bị móc túi, cần có quy định mới về thời gian kiểm định đối với các cột đo nhiên liệu có thời gian sử dụng trên 5 năm để đảm bảo độ chính xác".
Một nguyên nhân nữa khiến cho các cơ sở kinh doanh "nhờn thuốc" chính là việc xử phạt vi phạm vẫn chưa có tác dụng răn đe. Hiện nay, mức phạt cao nhất trong lĩnh vực đo lường, chất lượng, áp dụng theo Nghị định 57/CP là 20 triệu đồng, theo các chánh thanh tra, vẫn còn nhẹ, lại chưa được áp dụng phổ biến, dẫn tới việc các doanh nghiệp tiếp tục "làm liều".
Ông Lê Văn Kiều, Chánh thanh tra Bộ Khoa học công nghệ cho VnExpress biết, bộ sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 57 theo hướng đưa các hành vi vi phạm gần với mức xử phạt tối đa hơn.
Kết quả phúc tra xăng dầu tại một số địa phương: - Thái Nguyên: 2 cửa hàng vi phạm về chất lượng xăng M90 (chỉ số octan chỉ đạt 81,3 và 77,8). |
Ngọc Quang