Siêu thị Big C, điểm bán lẻ lớn nhất tại Hà Nội, vẫn đông nghẹt khách vào cuối tuần. Để được thanh toán vào tầm chiều và tối ở đây, người ta phải đợi không dưới 15 phút. Nhưng nhiều khách hàng đã thay đổi phần nào thói quen mua sắm. Sau một lượt dạo qua gian hàng đồ uống, một khách hàng nữ trạc 40 tuổi lựa cà phê hòa tan, bột ngũ cốc và nước hoa quả cho vào xe đẩy. Chị cho hay, với thu nhập của 2 vợ chồng ổn định và chỉ có một con, hiện chị vẫn mua sắm đáp ứng thoải mái các nhu cầu của gia đình, song số lượng những lần đến siêu thị đã ít hơn trước.
Vợ chồng bà Thanh, cán bộ về hưu tại Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng), cảm nhận rõ hơn tác động của giá cả và những biến động của nền kinh tế. Những chuyến về thăm quê tại thị xã Sơn Tây thưa hơn, và 2 ông bà những tháng gần đây cũng ít tới các đám lễ hỏi.
Giá hàng hóa dần hạ nhiệt từ 3 tháng nay, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với các năm trước. Theo Tổng cục thống kê (GSO), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ vào khoảng 22%. Trong các nhóm hàng giảm giá trong tháng 11, phần nhiều là nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 4,86%, giá xăng dầu, phương tiện đi lại 4,4%. Riêng nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vốn tác động rõ rệt đến cơ cấu giá và tiêu dùng của người dân, có mức giảm khiêm tốn 0,07%.
Những diễn biến mới về kinh tế thế giới và trong nước đòi hỏi người dân tăng tiêu dùng, thay vì cắt giảm như hồi đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà |
Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã tác động đến khả năng chi trả thực tế của nhiều người và tâm lý của họ mỗi khi mua sắm. Trong 11 tháng đầu năm, nhu cầu của người dân tăng chậm, GSO cho hay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 11 tháng tăng khá cao 30,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu do tăng giá. Nếu loại trừ yếu tố này, thực tế nhu cầu tiêu dùng của người dân chỉ nhích lên 6,2%, trong khi vào cùng thời điểm mọi năm là trên 10%.
Các siêu thị và đầu mối bán hàng đã chuẩn bị tinh thần cho mùa kinh doanh cuối năm sút kém hơn những năm trước. Big C ước tính nhu cầu hàng hóa tại đây tăng 20% so với ngày thường, trong khi con số của mọi năm là 25%. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, lượng hàng các siêu thị năm nay cung ứng ra thị trường tăng gấp rưỡi năm trước, nhưng đó là bao gồm các khu vực mới sáp nhập vào thành phố. "Chúng tôi cũng lường trước tình hình, vì giá cả đắt đỏ, người dân thắt chặt túi tiền, cộng với lương thưởng giảm", ông Phú nói.
Sức mua trên thị trường Hà Nội dự kiến tăng khoảng 20% vào tháng giáp Tết, trong khi các năm trước là 30%. Các siêu thị đều cho rằng, tình hình kinh doanh của mình vẫn khả quan hơn nhiều so với các hình thức bán hàng khác, bởi đối tượng khách hàng của siêu thị chủ yếu là những người có thu nhập ổn định. Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, những người không bị ảnh hưởng nhiều của biến động giá chỉ chiếm trên 20%.
Không chỉ tác động đến túi tiền, mà giá cao đang trở thành vật cản tâm lý đối với thói quen mua sắm của nhiều người. Thực tế, đây mới là yếu tố có tác động lâu dài đến nhu cầu tiêu dùng trong nước. "Ngành phân phối như chiếc nhiệt kế đo sức khỏe nền kinh tế và tâm lý tiêu dùng của người dân. Kinh tế biến động, nên năm nay chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng", ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C nói.
Thay vì sẵn sàng mua sắm như trong năm 2006-2007, vị khách hàng tại siêu thị Big C cho biết, chị chi tiêu có tính toán hơn. "Gia đình tôi chưa thấy xáo trộn gì về chi tiêu, nhưng giá cao nên cần cân nhắc. Hơn nữa, cũng nghe nhiều về những khó khăn, mình cũng nên tiết kiệm", chị giải thích. Còn bà Thanh và vợ chồng người con trai, dự kiến đổi sang ngôi nhà rộng hơn vì 2 đứa cháu nội đã lớn, cần thêm không gian, nhưng cũng quyết định đợi thêm ít lâu. Bà nghe nói sang năm, giá nhà còn giảm tiếp.
Giá hàng hóa cao và thuế nhập khẩu tăng lên đang kéo người Việt đến gần hơn với hàng nội. Lãnh đạo một siêu thị cho biết, dịp Giáng sinh và đầu năm mới dương lịch thay vì bán các loại thực phẩm cao cấp nhập ngoại như đùi cừu, gà tây, thịt bò New Zealand, họ nhập về các mặt hàng đảm bảo chất lượng, nhưng giá cả dễ chịu với đa số người tiêu dùng. "Phong trào dùng đồ "xịn" nhập khẩu không còn như 2 năm trước. Xu hướng dịch chuyển sang dùng hàng nội cũng rõ nét hơn", ông này nhận xét.
Hàng nội trong hệ thống siêu thị của Hà Nội dịp cuối năm nhích lên 75-77%, trong khi các năm trước là 70%, ông Vũ Vinh Phú cho hay. Bánh kẹo trong nước năm nay dự kiến "lên ngôi", một phần vì người tiêu dùng chưa hết lo ngại về melamine, và cũng vì giá cả tăng. Một số doanh nghiệp đầu mối những năm trước chi 600.000-700.000 USD để nhập khẩu bánh kẹo, năm nay hầu như án binh bất động.
Đầu tháng 12 vừa qua, Việt Nam lên kế hoạch kích cầu đầu tư và tiêu dùng trị giá 1 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, và có thể nâng lên 6 tỷ USD. Để kích cầu tiêu dùng, thông thường các nền kinh tế không tác động trực tiếp đến người dân, mà thông qua việc giảm thuế cho doanh nghiệp, nới lỏng tín dụng tiêu dùng, cải thiện thu nhập của người dân, và hỗ trợ người có thu nhập thấp. Hiệu quả của những biện pháp này sẽ tác động trở lại đến nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để kích thích tiêu thụ hàng hóa, thì giá cả phải giảm nhiều nhất có thể, đảm bảo lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. "Hiện khâu phân phối còn nhiều tầng trung gian, khiến giá bán hàng hóa bị đội lên rất nhiều. Điều này cần phải được giải quyết hợp lý thì kích cầu tiêu dùng mới hiệu quả", ông Xuân nói.
Hiện giá của một số mặt hàng trong nước có xu hướng tăng mạnh vào dịp cuối năm, dù giá nguyên liệu giảm. Có loại bánh kẹo tăng giá tới gần 50%, một số loại sữa của Việt Nam cũng leo thang dù giá thu gom sữa tươi đang đi xuống. Theo ông Vũ Vinh Phú, để kích cầu hiệu quả, cả nhà sản xuất và phân phối cần nỗ lực giảm chi phí đầu vào cũng như một phần lợi nhuận. "Có vậy mới thu hút được khách hàng trong lúc làm ăn khó khăn", ông Phú nói. Ông cho rằng, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng cũng rất quan trọng.
Ngọc Châu