Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận ở nghị trường về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam), các loại quảng cáo trên không gian mạng, ứng dụng giải trí hiện dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
"Thật nguy hại khi các sản phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng tự như thần dược trên các ứng dụng lớn như Facebook, Youtube, Tiktok... nhưng chưa có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng", đại biểu tỉnh Quảng Nam lo lắng.
Bà cũng nhắc tới tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án, nhưng chế tài với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.
Đồng tình, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa, Vũng Tàu) cũng nêu, nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng có ảnh hưởng với xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật, chất lượng không đúng như quảng cáo được chạy trên các nền tảng số... đã làm ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng. Chế tài xử lý các hành vi này hiện chưa đủ răn đe.
Các đại biểu đề nghị, dự luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo với sản phẩm sai sự thật phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Liên quan tới quảng cáo sai sự thật trên Facebook, Youtube... tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng khá nhức nhối hiện nay. Ông cho biết, tới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thanh tra quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube... để xử lý nạn quảng cáo sai sự thật.
Giải trình tại thảo luận hôm nay, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhìn nhận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù, như trên không gian mạng... là quan trọng. Do đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo luật.
Ngoài quảng cáo sai sự thật, các đại biểu cũng nêu quan ngại trước quy định bổ sung về uỷ quyền cho bên thứ ba được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phân tích, thông tin của người tiêu dùng có nội hàm rộng, gồm thông tin cá nhân, quá trình mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và các thông tin khác liên quan tới giao dịch. Bà Phương quan ngại, nếu uỷ quyền cho bên thứ ba được thu thập các thông tin của người tiêu dùng sẽ "dễ bị lạm dụng".
Quy định về uỷ quyền cho bên thứ ba được thu thập, khai thác thông tin tại dự thảo luật, theo đại biểu tỉnh Gia Lai là quá rộng, khó kiểm soát được việc bên thứ ba có tiếp tục chia sẻ, giao thông tin của người tiêu dùng cho chủ thể khác nữa hay không.
Bên cạnh đó, Điều 8 dự thảo luật cũng không quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông qua bên thứ ba.
"Như vậy, nhiều khả năng người tiêu dùng không biết được thông tin của họ có thể do một bên thứ ba, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm giữ", bà Mai Phương bình luận, và đề nghị dự luật cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Bà Trần Thị Thu Hằng (đại biểu tỉnh Đắk Nông) cũng nêu, việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng không đúng mục đích thu thập ban đầu đang là vấn nạn. "Cần có chế tài bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng", bà góp ý.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được Chính phủ trình lần đầu tại kỳ họp thứ tư, dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023.