Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome Lê Đại Hành, trong đại dịch, những người thừa cân, béo phì (chỉ số BMI từ 25 trở lên) mắc Covid-19 dễ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong cao hơn so với người bình thường. Nhóm này cũng gặp hội chứng hậu Covid, còn gọi là Covid kéo dài, nặng nề hơn.
Bác sĩ dẫn chứng một nghiên cứu thực hiện từ tháng 3 đến tháng 7/2020 trên 2.839 bệnh nhân Covid-19 tại Viện trao đổi chất và dưỡng sinh, Hệ thống Phòng khám y khoa Cleveland (Mỹ). Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những bệnh nhân này trong vòng 10 tháng sau khi mắc Covid-19 và thu thập nhiều dữ liệu liên quan đến tình trạng cần xét nghiệm chẩn đoán hoặc nhập viện.
Kết quả cho thấy những người béo phì nguy cơ nhập viện cao hơn 28-30% so với người có chỉ số BMI bình thường. Trong khi đó, nhu cầu làm các xét nghiệm chẩn đoán hậu Covid ở người thừa cân mức vừa cao hơn 25% và người béo phì nặng cao hơn 39% so người khác. Các vấn đề mà người thừa cân gặp phải thường liên quan đến tim mạch, phổi, thận, hệ tiêu hóa, nội tiết tố và sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Tùng lý giải những người thừa cân béo phì dễ bị nCoV tấn công mạnh hơn. nCoV dùng các gai protein của chúng kết hợp với thụ thể ACE2 ở trên màng tế bào để xâm nhập vào cơ thể. Trong khi đó, thụ thể ACE2 ở mô mỡ nội tạng và mô mỡ dưới da cao hơn cả ở mô phổi - mô đích chính bị ảnh hưởng bởi nhiễm nCoV. Điều này cho thấy lượng mỡ thừa có thể làm tăng mức độ nhiễm trùng nặng hơn ở bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, ở người béo phì, trong cơ thể vốn đã tồn tại tình trạng viêm mạn tính, khi virus tấn công gây nên đợt bùng phát tình trạng viêm dữ dội, làm cơ thể bị tổn thương nặng nề hơn.
Do đó, với tình trạng dịch bệnh phức tạp như hiện nay, vấn đề cân nặng của mỗi người cần được quan tâm nhiều hơn, theo bác sĩ Tùng. Trên bình diện sức khỏe tổng thể, giảm tình trạng thừa cân béo phì, kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể cũng vô cùng cần thiết, đảm bảo sức khỏe ổn định và giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp... Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm cân. Để giảm cân hiệu quả, không phải ăn càng ít càng tốt mà là lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Các thực phẩm người thừa cân, béo phì nên sử dụng là chất xơ và ngũ cốc. Chất xơ có mức calo thấp, giúp cơ thể no lâu hơn, giảm cholesterol và hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Thực phẩm giàu chất xơ ở Việt Nam rất đa dạng, gồm các loại rau lá xanh như bắp cải, súp lơ, bông cải, bí ngô, xà lách... và các loại trái cây ổi, mận, xoài bơ, đu đủ, chuối... Ngũ cốc có thể chọn ngô (bắp), khoai lang, gạo lứt, yến mạch, hạt đậu. Các loại đậu như đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ còn chứa khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa, giàu protein. Cách chế biến thức ăn vừa giúp giảm lượng calo vừa tốt cho sức khỏe là luộc, hấp, ăn sống (đối với một số loại rau và các loại trái cây).
Ngoài ra, nên hạn chế tinh bột, đường, sữa, các món có lượng đường cao như bánh ngọt, nước ngọt, kem, trà sữa, các đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ... Có thể bổ sung tinh chất belaunja và mangastin, tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ mỡ trắng.
Tập luyện cũng là giải pháp hiệu quả, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đốt mỡ. Nên chọn môn phù hợp với độ tuổi và thể trạng cho phép. Người trẻ tuổi sức khỏe tốt có thể chọn môn có tác dụng đốt nhiều calo như chạy bộ, tập phối hợp tại phòng gym, chơi cầu lông, chơi tennis, nhảy zumba, nhảy dây... Tập cường độ cao từ một đến hai tiếng mỗi ngày, có thể chia hai lần sáng, chiều. Người lớn tuổi và giới hạn về sức khỏe nên chọn môn nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga... mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 5 buổi một tuần.
Để tránh sau khi tập cơ thể quá đói và tăng nhu cầu nạp năng lượng, bạn có thể ăn 1-2 quả chuối trước khi tập. Người mới tập luyện nên bắt đầu với cường độ và thời gian vừa phải, tăng dần theo thời gian để cơ thể dễ thích ứng.
Giang Lê