Điện Kremlin đang nỗ lực suốt một tháng qua nhằm rửa sạch các cáo buộc rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Anh. Sergei Skripal là cựu đại tá tình báo Nga, từng bị kết án tù ở Moscow vì tội chuyển tài liệu mật cho Anh. Skripal sau đó được đưa tới Anh trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ.
Nga khẳng định không sở hữu chất độc thần kinh Novichok được dùng trong vụ ám sát. Moscow cáo buộc London và các đồng minh truyền bá tâm lý chống Nga, thậm chí tố Anh tự dàn dựng vụ đầu độc.
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Anh leo thang nhanh chóng khi hai bên có những động thái "ăn miếng trả miếng", trục xuất nhà ngoại giao của nhau. Hơn nữa, tình hình lại thêm phần rối ren vì một tiếng nói cứng rắn từ Anh với hàng loạt chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Nga: Ngoại trưởng Boris Johnson, theo tạp chí Atlantic.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Anh xác nhận đã xóa một dòng tweet từ ngày 22/3 khẳng định phòng nghiên cứu quốc phòng Porton Down xác nhận Nga là nơi bắt nguồn của chất độc thần kinh dùng để tấn công cha con điệp viên Skripal. Hành động này diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Gary Aitkenhead, giám đốc điều hành Porton Down, cho hay họ không biết chất độc thần kinh trong vụ án xuất phát từ đâu.
"Công việc của chúng tôi là cung cấp các bằng chứng khoa học về chất độc thần kinh..., không phải điều tra xem chúng được sản xuất ở đâu", ông nhấn mạnh.
Sự khập khiễng trong thông tin phía Anh đưa ra càng gây ngờ vực bởi chính Ngoại trưởng Johnson hồi tháng trước đã khẳng định tính chính xác của nó trong lúc trả lời phỏng vấn kênh Deutsche Welle.
Trước câu hỏi từ phóng viên rằng vì sao chính phủ Anh có thể chắc chắn chất độc thần kinh Novichok dùng trong vụ ám sát có nguồn gốc từ Nga, ông Johnson đã dẫn lời các nhà khoa học ở Porton Down để chứng minh. "Họ khẳng định", Ngoại trưởng Anh nói. "Đích thân tôi hỏi họ rằng 'Các anh có chắc không?' và họ trả lời 'không còn nghi ngờ gì nữa'".
Một làn sóng chỉ trích Ngoại trưởng Johnson đã xuất hiện ngay bên trong nước Anh. Hicham Yezza, bình luận viên từ tờ Guardian viết trên Twitter: "Tại một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle hai tuần trước, Boris Johnson nói các chuyên gia Porton Down đã 'cam đoan' Nga là nơi bắt nguồn của chất độc Novichok trong vụ Skripal. Hôm nay, CEO Porton Down xác nhận điều đó là không đúng. Nếu thực sự như vậy, Boris Johnson nên từ chức".
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn cáo buộc ông Johnson phóng đại bằng chứng chống lại Nga, khiến Bộ Ngoại giao Anh như "tự ném trứng vào mặt mình". Đáp trả, Ngoại trưởng Johnson chỉ trích ông Corbyn đã "lựa chọn về phe với Nga".
Chris Furlong, ủy viên hội đồng Công đảng, ngụ ý Thủ tướng Anh Theresa May cần sa thải ông Johnson vì "lời nói dối trắng trợn và nguy hiểm".
Theo giới phân tích, những lùm xùm mới nhất liên quan đến Ngoại trưởng Anh rõ ràng sẽ khiến ông lâm vào thế khó và mất đi "sức nặng" trong phát ngôn từ nay về sau. Nhiều người thậm chí cho rằng ông Johnson là "nhân tố bất định", người "thêm dầu vào lửa" cho cuộc khủng hoảng ngoại giao Anh - Nga.
Kể từ thời điểm căng thẳng bùng phát, Ngoại trưởng Johnson đã không ít lần có những phát ngôn đả kích nhằm vào Nga. Ông cáo buộc chính Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị đầu độc điệp viên Skripal, cho rằng vụ ám sát có mối liên hệ với cuộc bầu cử ở Nga. Ông còn từng có phát biểu hàm ý so sánh Tổng thống Nga Putin với trùm phát xít Adolf Hitler trong việc tổ chức các sự kiện thể thao. Ông ví việc Nga tổ chức World Cup 2018 với Olympic 1936 do Đức Quốc xã đăng cai cách đây 82 năm.
Cây bút Yasmeen Serhan từ Atlantic nhận định lời tuyên bố chắc nịch nhưng không chính xác của ông Johnson chắc chắn "sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Anh", đồng thời là cơ hội cho phép Nga đặt ra hoài nghi đối với cuộc điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal do Anh tiến hành.
Vũ Hoàng