Có một sự thật cần nhận ra rằng tuổi nhỏ càng thành công thì lớn lên khả năng thất bại, nổi loạn càng cao. Nhiều ngôi sao của Hollywood khi nổi tiếng từ nhỏ, kiếm được rất nhiều tiền thì khi lớn lên sự nghiệp của họ lại càng xuống dốc.
Những bạn nhỏ được phong là thần đồng, thiên tài từ nhỏ và được giáo dục để trở thành người mọi người kì vọng. Tôi nhận thấy nhiều người (không phải tất cả) đều sau đó nổi loạn và bất khả trị, có nhiều vấn đề tâm sinh lí, khó thích nghi với xã hội.
Nhiều bạn trẻ là ngôi sao từ nhỏ như ca sĩ nhí, diễn viên nhí, người mẫu nhí, youtuber kiếm được nhiều tiền từ nhỏ thì lớn lên lại thường trở nên khó bảo, tính khí thất thường, và sự nghiệp thì đi xuống thấy rõ. Nhiều bạn sinh ra trong gia đình giàu có không thể thông cảm, cảm thông với nỗi vất vả của người nghèo.
Lý do là gì vậy? Đó chính là sự thiếu đồng cảm, cảm thông trong xã hội. Chỉ có sự cảm thông chúng ta mới có thể hiểu nhau để tránh những áp lực, tránh những sự mâu thuẫn không cần thiết trong đời sống xã hội.
Khi mật độ dân số ngày càng gia tăng, áp lực ngày càng lớn thì tỉ lệ chạm mặt nhau, va chạm nhau giữa các cá thể người trong xã hội cũng nhiều hơn. Điều này làm gia tăng các xung đột lợi ích, các mâu thuẫn trong xã hội. Chính điều này làm con người dễ dàng bị nổi nóng vô cớ, dễ dàng kết tội người khác khi thiếu đi sự cảm thông cần thiết.
Chúng ta san sẻ sự khó khăn cho nhau thông qua ánh mắt, lời nói, biểu cảm... gọi là sự cảm thông và đồng cảm. Từ đó, chúng ta hiểu nhau hơn, tránh gây tổn thương cho nhau.
Điều này giúp con người tồn tại trong xã hội một cách văn minh. Mọi người sẽ cùng cải tạo hoàn cảnh sống không chỉ của mình mà của người khác, để cùng nhau hưởng những sự ngọt ngào, yêu thương.
Nhưng sự thật thì không như thế. Những bạn từ nhỏ thành công sớm, kiếm được nhiều tiền thì cái tôi của họ đã lên rất cao. Chính sự bợ đỡ của người thường đã làm cho những người nổi tiếng nuôi dưỡng cái tôi không còn có thể nghe lời người khác được. Họ tự cho rằng mình kiếm nhiều tiền hơn cha mẹ họ nên không cần phải nghe họ. Hoặc chính cha mẹ họ cũng cảm nhận mình thua kém con cái họ nên không giáo dục chúng khả năng nhẫn lại, kiềm chế mình.
Rồi một khi cái tôi đủ lớn, họ sẽ ở trong một trạng thái mà người ta gọi là "bị điếc". Họ vẫn có hai tai, vẫn nghe được như những người bình thường. Nhưng họ không chấp nhận rằng mình sai, hay có sự khuyết điểm nào đó. Họ đã quen với những lời xưng tụng, ca ngợi về mình. Họ không quen với việc bị người khác lôi cái xấu, cái sai, cái khuyết điểm của mình. Chính "hào quang ánh sáng" cùng địa vị cao cho họ một thứ quyền lực để có thể trừng phạt kẻ đã nói ra cái xấu, cái sai, cái khuyết điểm của họ.
Họ giống như những em bé chưa trưởng thành. Mỗi khi ai đó lầm lỗi với họ, họ sẽ chỉ mặt mà lu loa lên rằng "người này, kẻ này đang bắt nạt tôi. Những người yêu tôi, những khán giả có nghĩa vụ thần tượng tôi, ca ngợi tôi hãy trừng phạt y đi...". Và như thế không còn ai có thể quản được cái bệnh "ngôi sao" của họ nữa.
Cho tới khi không còn ai có thể làm việc được cùng "ngôi sao bị điếc kia" nữa, thì "ngôi sao ấy" dần dần bị lãng quên. Không những thế những người thành công từ rất sớm, hay quá thuận lợi trong cuộc sống dẫn tới thành công cũng thiếu đi sự thông cảm, thấu hiểu với người khác.
Họ cho rằng "ai cũng có được những điều kiện, nền tảng như họ, cũng ở trong một môi trường, vị thế như họ... vậy mà mình thành công, còn người khác thất bại, chính là do năng lực ưu tú, xuất sắc của mình. Còn người khác thất bại là do sự yếu đuối, hèn nhát... của họ". Bạn sẽ không lạ khi những người nói những câu tương tự: "thời đại này mà lương dưới 10 triệu một tháng là do lỗi bản thân", hay "thời này mà không giàu là do yếu kém"... Hay những cụm từ rất nổi tiếng như: "Sinh ra nghèo hèn là lỗi ở cha mẹ bạn, nhưng khi trưởng thành mà vẫn nghèo là do bản thân bạn" (của một tỷ phú rất nổi tiếng nói ra).
Nhưng lối phán xét này có chung một điểm là đã đồng nhất những hoàn cảnh, điều kiện trưởng thành của người nói với nạn nhân được nhắc tới mà bỏ qua những khác biệt. Người nói cho rằng cuộc sống rất dễ dàng để thành công, thị trường thì luôn đủ chỗ cho tất cả, ai cũng như ai, cũng cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau... và cũng tỉ lệ thành công phải giống nhau. Sự thật thì không phải vậy, những con người chúng ta là những cá thể khác biệt nhau hoàn toàn. 7 tỉ người trên thế giới này là 7 tỉ số phận khác nhau, có tư duy, nền tảng học vấn, gia đình khác nhau, không ai giống ai cả.
Có những khó khăn khác biệt mà người thành công vẫn còn lựa chọn trong khi người thất bại thì không. Không ai muốn lựa chọn tình thế thất bại cả. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng có sự lựa chọn. Ví dụ như vị tỉ phú đã giàu có từng nói câu nói gây bão trên từng được phù tá bởi 17 người rất có học, ở vào điều kiện mở cửa kinh tế của Trung Quốc lúc đó, tuy rằng ông ấy đã rất khó khăn để trưởng thành, để thành công song không phải ông ấy là người có hoàn cảnh tôi tệ nhất, không phải nỗi vất vả của ông ấy là "ghê gớm nhất".
Ông ấy mắc một "chứng điếc" khi cho rằng mình là người có hoàn cảnh khó khăn nhất mà vẫn thành công thì không ai được quyền thất bại, nếu thất bại là tội lỗi ở họ. Sự thật thì ông ấy tạo lên dư luận trái chiều về mình, có người yêu, có kẻ ghét. Yêu vì cách ông ấy thành công, tạo công ăn việc làm cho người khác, nhưng cũng ghét vì ông thiếu sự đồng cảm và hay đi kết tội, hay tự cho mình là "khổ nhất" không ai có quyền được khổ hơn ông ấy khi khởi nghiệp. Bạn được đi học, và bạn nghĩ ai trên thế giới này đều được đi học.
Bạn được trên đường lát nhựa, và bạn cũng nghĩ người ngoài kia cũng ắt hẳn như mình. Bạn cơm no ngày ba bữa, bạn cũng nghĩ người khác cũng vậy. Bạn nghĩ hoàn cảnh mình là khó khăn nhất và ai ngoài kia cũng không thể nào có hoàn cảnh khó khăn hơn của mình. Vậy tại sao bạn thành công, còn họ thì thất bại? Là vì ưu tú của bản thân bạn sao? Là vì sự kém cỏi của người khác sao? Không, tài sản, thành công của bạn chưa chắc do bạn tạo ra.
Nền tảng thành công ấy có thể là có sự chuẩn bị, phát triển của nhiều thế hệ đi trước để thúc đẩy một quá trình phát triển, chuyển đổi của xã hội. Và may mắn ở chỗ bạn được "lựa chọn" để thành công vì ở đúng chỗ, được kế thừa thị trường, được kế thừa những điều kiện cơ sở vật chất để giúp bạn thành công. Vâng không thể thiếu ý chí và nỗ lực phi thường của cá nhân. Vì rất nhiều người hàng xóm xunh quanh bạn cũng thất bại, vậy tại sao thành công lại đi cùng bạn, chính là vì nỗ lực cá nhân.
Chính vì thiếu sự cảm thông, đồng cảm cho nhau mà các cá nhân đã quen với sự thành công thường hay kết tội những người thất bại, những người có địa vị, tiền bạc thấp hơn mình là những kẻ thất bại. Hoặc đang thành công rồi một ngày tự dưng biến động các điều kiện địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh... làm họ khó khăn thì họ cũng tìm cách đổi lỗi sự thất bại tạm thời của chính bản thân lên người khác.
Người dân Mỹ lại ghét người gốc Á vì cho rằng dich bệnh, khủng hoảng, khó khăn kinh tế của họ là do những người gốc Á kia mang tới. Sự thù ghét người gốc Á bắt nguồn từ trận chiến Trân Châu Cảng khi người Nhật đánh bại người Mỹ. Sau này, sự trỗi dậy của các công ty Nhật, đặc biệt là Toyota đã tấn công mạnh mẽ vào thị trường Mỹ làm người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Điều này làm cho nhiều công nhân nhà máy sản xuất ôtô tại Mỹ bị mất việc làm họ lại quay lưng kết tội người Nhật đã cướp đi công việc của họ. Thương chiến Mỹ - Trung làm tình hình thương mại trở nên căng thẳng, người Mỹ cũng kết tội luôn người Trung Quốc đã cướp đi cơ hội làm ăn của họ.
Tuệ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.