Nhà vật lý thiên văn người Mỹ Ron Mallett là một trong rất ít người tin vào khả năng quay ngược thời gian về quá khứ. Ông đã dành phần lớn cuộc đời để chứng minh quan điểm du hành thời gian là có thể và muốn hoàn thành giấc mơ quay về quá khứ gặp cha.
Cha của Mallett qua đời đột ngột vì đau tim khi ông mới 10 tuổi và điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. "Với tôi, ông ấy là người quan trọng nhất trên thế giới này, là trung tâm của mọi thứ. Dù nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không chấp nhận được sự thật này", Mallett chia sẻ.
Cha Mallett, một thợ sửa tivi, chính là người truyền cho ông tình yêu đọc sách và đam mê nghiên cứu khoa học. Khoảng một năm sau khi cha qua đời, ông vô tình đọc cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cổ điển có tên "Cỗ máy thời gian" và theo ông "cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi". Nhờ trí tưởng tượng của nhà văn H.G Wells, Mallett nhận ra thảm kịch của gia đình ông không phải là sự kết thúc mà là điểm khởi đầu.
Ở tuổi 74, Mallett giờ là giáo sư vật lý tại Đại học Connecticut. Ông dành cả sự nghiệp nghiên cứu về hố đen và thuyết tương đối tổng quát, những lý thuyết nổi tiếng về không gian, thời gian, lực hấp dẫn mà Albert Einstein từng khám phá. Mallett cũng đưa ra lý thuyết về du hành thời gian trong quá trình nghiên cứu cỗ máy thời gian.
Dù còn cách đích đến rất xa và thậm chí có người cho rằng ông không thể chạm đích, hành trình của ông đã tạo nên câu chuyện về sức mạnh của tình yêu, giấc mơ thời thơ ấu và khát khao của con người để nắm lấy vận mệnh trong vũ trụ.
Mallett lần đầu bắt gặp khái niệm du hành hành thời gian vào những năm 1950. "Thời điểm đó chúng ta thậm chí chưa du hành vũ trụ và mọi người cũng không chắc liệu nó có thể", Mallett nhớ lại.
Lớn lên ở quận Bronx thuộc thành phố New York, Mỹ và sau đó chuyển tới Pennsylvania, gia đình Mallett phải vật lộn kiếm tiền. Tự nhận là "người cuồng sách", Mallett vẫn tìm mọi cách để thỏa đam mê đọc tại hiệu sách Salvation Army trong khu phố. Chính tại đây, Mallett bắt gặp nhiều tác phẩm của Einstein, nguồn cảm hứng quan trọng tiếp theo của ông.
Ông tiếp tục miệt mài với sách khoa học suốt năm tháng thiếu niên. Sau khi học xong cấp ba, ông dự định vào đại học thông qua Đạo luật G.I hỗ trợ quyền lợi giáo dục cho cựu chiến binh Mỹ. Ông gia nhập và phục vụ 4 năm trong không quân Mỹ. Sau đó, Mallett quay lại con đường học hành, có được tấm bằng cử nhân vật lý, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lý thuyết của Einstein.
Công việc đầu tiên là tại United Technologies, nhà sản xuất máy bay ở Connecticut, nơi ông nghiên cứu sử dụng laser để khoan lỗ trên lưỡi tuabin động cơ phản lực. Sau vài năm áp dụng lý thuyết toán học vào công việc thực tế, Mallett gia nhập Đại học Connecticut (UCONN) trong vai trò giáo sư vật lý.
Trong những năm tháng đó, Mallett vẫn lặng lẽ nghiên cứu khả năng du hành thời gian. Ông bắt đầu công khai tham vọng khi UCONN bổ nhiệm ông làm giáo sư biên chế, vị trí cho phép làm việc một cách tự do mà không sợ bị sa thải.
"Tôi muốn chắc chắn rằng mình đạt tới đỉnh cao của sự chuyên nghiệp dù có chút miễn cưỡng", Mallett cho biết. Ông nhận thức được định kiến về "giáo sư điên khùng" nên muốn đảm bảo tham vọng của mình không trở thành trò cười và đe dọa tới công việc.
Nhưng khi Mallett bắt đầu công khai nói về ý tưởng du hành thời gian, ông đã tìm được tiếng nói chung với nhiều người và nhận ra trở về quá khứ là khát khao của nhiều người. Theo Mallett, tất cả chúng ta đều có điều hối tiếc, quyết định muốn thay đổi hay người nào đó mong gặp lại. "Mọi người từ nhiều nơi trên thế giới liên lạc với tôi để hỏi về khả năng quay ngược thời gian", ông nói.
Mallett cho hay tất cả ý tưởng của ông đều xoay quanh thuyết tương đối hẹp (đặc biệt) và thuyết tương đối tổng quát của Einstein. "Nói một cách dễ hiểu, Einstein cho rằng thời gian có thể bị ảnh hưởng bởi vận tốc", Mallett nói.
Ông lấy ví dụ về nhà du hành không gian bằng rocket bay gần bằng tốc độ ánh sáng. Thời gian ở Trái Đất và trên rocket sẽ khác nhau. "Khi quay lại họ có thể nghĩ mình mới già đi vài tuổi nhưng hàng chục năm đã trôi qua ở Trái Đất", Mallett cho biết.
Mallet cũng đưa ra ví dụ về bộ phim khoa học viên tưởng kinh điển năm 1968 "Hành tinh khỉ", trong đó nhà du hành nhận ra mình chưa tới hành tinh khỉ xa xôi mà lại đi tới Trái Đất ở thời tương lai hậu tận thế - thời điểm loài người bị loài khỉ khuất phục.
"Đó là đại diện chính xác cho thuyết tương đối hẹp của Einstein. Theo học thuyết này, nếu di chuyển đủ nhanh, bạn có thể đi xuyên thời gian. Và đó chính là du hành thời gian", Mallettt nói. Tuy nhiên, đó là đi tới tương lai trong khi Mallett muốn quay về quá khứ. Thuyết này liệu có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện gặp cha?
"Theo học thuyết của Eistein, trọng lực càng lớn thời gian trôi càng chậm", Mallett chia sẻ. Einstein cho rằng trọng lực thực chất không phải là lực mà đó là sự bẻ cong không gian bằng một vật thể lớn. "Nếu có thể bẻ cong không gian, bạn có thể xuyên qua nó", ông nói.
"Theo Einstein, cái chúng ta gọi là không gian cũng liên quan tới thời gian, đó là lý do nó được gọi là không gian - thời gian. Bất kể chuyện gì xảy ra trong không gian thì cũng tác động tới thời gian", ông nói thêm.
Theo ông Mallett, bằng cách "xoắn" thời gian vào một đường ống, người ta có thể đi từ tương lai về quá khứ và trở lại tương lai. Đây là ý tưởng về "lỗ giun vũ trụ" (wormhole), đường đi lý thuyết xuyên qua không - thời gian có thể tạo thành lối tắt cho quãng đường dài xuyên qua vũ trụ.
Mallett cũng cho rằng có thể sử dụng ánh sáng để tác động tới thời gian thông qua laser vòng. Ông tạo ra nguyên mẫu minh họa cách sử dụng laser để tạo ra chùm ánh sáng tuần hoàn xoắn không gian và thời gian.
"Kiến thức về laser trong công việc đầu tiên đã giúp tôi tạo nên bước đột phá để tìm ra cách xây dựng nền tảng của cỗ máy thời gian. Nghiên cứu loại trường hấp dẫn do laser vòng tạo ra có thể dẫn tới cách nhìn mới về khả năng tạo ra cỗ máy thời gian dựa trên chùm ánh sáng tuần hoàn", Mallett nói.
Mallett cũng có công thức lý thuyết để chứng minh cho điều này. "Chùm ánh sáng tuần hoàn cuối cùng có thể hoạt động như cỗ máy thời gian và tạo ra vòng xoắn thời gian cho phép bạn trở về quá khứ", ông nói. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại nhược điểm. "Bạn có thể gửi thông tin quay lại, nhưng nó chỉ tới thời điểm bạn khởi động máy", ông chia sẻ.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với Mallett. "Du hành quá khứ chỉ cho phép chúng ta hiểu về lực hấp dẫn trong thuyết tương đối tổng quát", Paul Sutter, nhà vật lý học thiên văn và phát thanh viên của podcast (bản tin âm thanh trên mạng) có tên "Ask a Spaceman", nói. "Nhưng mỗi khi chúng ta cố gắng chế tạo cỗ máy thời gian, có nguyên tắc vật lý khác sẽ phá hỏng điều đó".
Sutter nói ông biết điều Mallett theo đuổi và thấy nó thú vị nếu không nhất thiết phải đạt kết quả bằng mọi giá. "Tôi không nghĩ nó nhất thiết phải có kết quả, bởi còn nhiều lỗ hổng lớn trong công trình nghiên cứu của ông ấy. Do đó, thiết bị thực tế dường như là điều khó có thể đạt được", Sutter nói.
Năm 2005, Ken D. Olum và Allen Everett ở Viện Vũ trụ học, thuộc Khoa Vật lý và Thiên văn học, Đại học Tuffs chỉ trích gay gắt ý tưởng của Mallett. Họ nói rằng tìm thấy lỗ hổng trong phương trình của Mallett và tính thực tế của thiết bị mà ông đề xuất.
Nhà văn khoa học người Anh Brian Clegg dành cái nhìn thiện chí hơn với ý tưởng của Mallett. Ông đã viết về nhà khoa học này trong cuốn sách "Cách tạo ra cỗ máy thời gian". "Không phải ai cũng đồng ý với cỗ máy mà ông ấy muốn tạo ra, nhưng tôi nghĩ đó là một đề xuất thú vị đáng để thử nghiệm. Nếu nó hoạt động dù không phải là một cỗ máy thời gian thực sự, nó vẫn có thể tạo ra hiệu ứng nhỏ bé nhưng đủ chứng minh nguyên lý của ông ấy", Clegg nói.
Mallett nhanh chóng chứng minh ý tưởng của ông có cơ sở lý thuyết. Ông cho biết đang cố gắng gây quỹ để tiến hành thử nghiệm thực tế. "Nó không giống trong phim. Nó không diễn ra rồi kết thúc sau hai giờ như cái giá mà bạn trả để xem phim. Nó sẽ có giá trị", Mallett nói.
So sánh với điện ảnh là chủ đề thường thấy trong cuộc nói chuyện với Mallett. Ông thích lý giải khái nghiệm du hành thời gian thông qua ví dụ phim ảnh. Khi được hỏi về khía cạnh đạo đức của việc quay ngược thời gian, ông cho biết cần phải có quy định và chính sách quốc tế như trong bộ phim năm 1994 có tên "Timecop", trong đó Jan-Claude Van Damme sắm vai một nhân viên làm việc cho cơ quan điều hành du hành thời gian.
Một ví dụ khác là bộ phim năm 2014 của Christopher Nolan có tên "Interstellar" (Hố đen tử thần), trong đó đề cập thời gian ảnh hưởng tới con người ở vũ trụ khác với Trái Đất. Kiến thức khoa học của bộ phim này được cung cấp bởi nhà vật lý lý thuyết từng đạt giải Nobel Kip Thorne. Nhưng Mallet cũng đánh giá cao yếu tố cảm xúc của bộ phim. Ông ca ngợi đó là câu chuyện cảm động về cha và con gái.
Hollywood từng gọi cho Mallett vài lần để đề xuất chuyển thể thành phim tự truyện "Người du hành thời gian" do ông đồng sáng tác vào năm 2008. Tuy nhiên, đề xuất đã thất bại dù có sự góp mặt của đạo diễn nổi tiếng Spike Lee. Mallett cho biết một công ty sản xuất lớn hiện đã mua bản quyền câu chuyện của ông và đang thực hiện dự án điện ảnh khác.
Dù dành cả đời để nghiên cứu du hành thời gian, Mallett có lẽ không thể thực sự trở về New York thập niên 1950. Nhưng nhờ có sự kỳ diệu của điện ảnh, ông có thể có được cái nhìn thoáng qua về quá khứ, hay có thể nói là "đất nước xa lạ", để gặp cha lần cuối.
"Ý tưởng gặp cha trong phim có thể giúp đưa ông ấy trở về bên tôi lần nữa", Mallet chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo CNN)