Theo Đại Nam liệt truyện, Ngô Vị (1774-1821) tên là Ngô Thì Vỵ, sau phải bỏ chữ lót vì kỵ húy tên vua Tự Đức là Hồng Thì. Ông quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay là Thanh Trì), Hà Nội, là con của Đốc đồng Lạng Sơn đời Lê là Ngô Thì Sỹ, là cháu ruột Ngô Thì Nhậm.
Ông không đỗ đạt gì nhưng có tài và nổi tiếng học giỏi. Năm 19 tuổi, ông vào viện Hàn lâm, rồi thăng chức Thiêm sự bộ Lại, sau được cử ra làm Hiệp trấn Lạng Sơn, rồi sung làm Phó sứ sang nước Thanh.
Năm 1817, ông được thăng làm Hữu tham tri bộ Lại, được ban tước Lễ Khê hầu. Năm 1819, ông được cử vào Đề điệu trường thi Gia Định. Năm đó, đích thân Thượng thư bộ Lại Nguyễn Hữu Thận được cử làm Đề điệu trường thi Quảng Nam.
Bộ sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục chép về kỳ thi đó như sau: Tại trường Gia Định, mới thi kỳ đệ nhất, học trò cho là đầu bài khó đã làm náo động trường thi đòi ra. Quan trường là Ngô Vỵ và Trần Vân Đại ra đầu bài khác, sĩ tử mới yên. Đến lúc thi xong, có học trò kiện với quan thành Gia Định nói trong hạng thí sinh trúng tam trường có người giấu tang đi thi (quy định thời đó học trò có tang không được dự thi), có người lại thuê người khác làm bài.
Ngoài ra, Ban giám khảo trường thi là Ngô Vỵ và Trần Vân Đại tự ý chia quyển thi để chấm riêng, rồi tụ tập đánh bạc với các viên sung biện trường vụ là Ký lục Lê Chấn, Đốc học Cao Huy Diệu, Phúc khảo Vũ Hành.
Quan thành Gia Định đem việc tâu về kinh, vua Gia Long giao xuống đình thần bàn tội. Theo luật, Ngô Vỵ và Trần Vân Đại bị xét là cố ý trái trường quy, đều bị phạt đánh trượng theo mức độ khác nhau; Đốc học Gia Định Cao Huy Diệu phải đổi đi địa phương khác. Người học trò giấu tang đi thi phải tội đồ; người mượn làm bài và người làm thay phải sung quân.
Ngô Vỵ tuy lần đó bị phạt, nhưng đến khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820), lại được cử làm Chánh sứ sang nước Thanh. Nhưng mới đi đến phủ Nam Ninh, ông mắc bênh, qua đời khi mới 47 tuổi. Vua Minh Mạng nghe tin Ngô Vỵ chết đã nói rằng: "Vỵ chết về việc nước, ngày trước tuy có lỗi là do làm việc công, cũng đáng thương", rồi sai ban cho 30 lạng bạc cấp cho người nhà. Đến khi đưa tang về, vua lại sai quan đến tế, cho thêm 100 lạng bạc.
Truyện chép về Ngô Vỵ trong Đại Nam liệt truyện kể rằng: “Vỵ học vấn rộng khắp, văn chương tao nhã phong phú, những năm đầu triều Gia Long, cáo sắc của nhà vua phần nhiều do tay Vỵ làm”.
Cũng trong Đại Nam liệt truyện có ghi lời vua Gia Long bảo Nguyễn Du rằng: "Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam Bắc. Ngươi cùng với Ngô Vỵ đã được đối đãi hậu, làm quan đến Á khanh, nên biết thì phải nói để hết chức phận, không nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì".
Thơ văn của Ngô Vỵ được thu thập trong bộ "Ngô gia văn phái" dưới các tên sách "Mai dịch tu dư" (tập ký sự bằng thơ), ghi đầy đủ chi tiết cuộc đi sứ nhà Thanh, "Thù phụng toàn tập", "Thành Phủ công thi văn", "Thành Phủ công di thảo"... (Thành Phủ là tên tự của ông).
Lê Tiên Long