Trong thời bình thường "cũ", gần như cứ mỗi giờ sẽ có một chuyến bay giữa Hàn Quốc và Việt Nam cất cánh. Còn với "bình thường mới", phải mất hàng tháng trời trao đổi qua lại và đến bốn chuyến bay bị hủy, tôi mới có thể thở phào yên vị trên chiếc tàu bay "giải cứu" từ Seoul đến Hà Nội một ngày cuối tháng 7/2020.
Suốt chặng đường từ sân bay Incheon đến nơi cách ly 14 ngày tại Hà Nội, tôi mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, với đầy đủ găng tay, kính bảo hộ và khẩu trang. Qua lớp kính bảo hộ cứ trong rồi lại mờ vì hơi thở của chính mình, tôi chợt nhận ra bản thân cũng là một người di cư đang mong mỏi đến được đích như bao người khác. Giữa hàng trăm những cột màu xanh da trời di động, đã có lúc tôi gần như không thể phân biệt bản thân với những người Việt may mắn có được suất bay hồi hương hôm ấy.
Chắc hẳn cũng như tôi hay mỗi cá nhân trong số 272 triệu người di cư toàn cầu đang sống những cuộc đời mới và gây dựng nên những cộng đồng mới, họ đều mang theo nhiều câu chuyện đặc biệt về hành trình tha hương của mình.
Đồng hành cùng tôi trên chuyến bay là nhiều lao động Việt Nam mất việc ở Hàn Quốc và đang trở về nhà. Hẳn là họ rất vui khi được đoàn tụ với người thân yêu. Nhưng có lẽ đâu đó hiện hữu lo lắng về một tương lai bất định, khi mà họ đã không còn có thể gửi tiền về hỗ trợ gia đình.
Kiều hối là huyết mạch quan trọng cho nhiều gia đình ở Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam nhận được gần 17 tỷ USD, nằm trong mười quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Con số này được dự đoán sẽ giảm đi 17% vào năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dù sao chúng tôi vẫn là những người may mắn. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đưa công dân về nước, vẫn còn rất nhiều người Việt đang mắc kẹt ở nhiều nơi trên thế giới. Ước tính, hơn 2,7 triệu người di cư đang bị mắc kẹt trên toàn cầu.
Liên Hợp Quốc đã ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới. Một trong các yếu tố dẫn đến thành công này là hành động quyết đoán của chính phủ khi ngay lập tức đóng cửa biên giới và hạn chế nghiêm ngặt các chuyến bay quốc tế. Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia cũng phải đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh hoặc thay đổi các yêu cầu về thị thực và nhập cảnh để giảm thiểu sự lây lan của virus. Điều này dẫn đến sự đình trệ mọi luồng di chuyển trên toàn cầu.
Năm 2020 ghi dấu bằng thời kỳ ngưng chuyển chưa từng có trong lịch sử, trớ trêu thay đã dạy chúng ta nhiều hơn về quyền được tự do di chuyển - một trong những quyền bất khả xâm phạm của con người mà chúng ta buộc lòng phải đánh đổi vì an toàn của cộng đồng.
Quyền được tự do đi lại là một trong những yếu tố nền tảng làm nên một con người. Khi mất đi khả năng xê dịch, cuộc sống của ta gần như bị đảo lộn. Hàng triệu người đã phải gác lại bao hy vọng, hoài bão và kế hoạch của bản thân. Chúng ta cũng không thể ở bên những người thân yêu và sẻ chia những cái ôm nồng ấm, vì một địa cầu dường như đã ngừng quay.
Trong sự chững lại đó, các nền kinh tế nhận ra chúng ta phụ thuộc vào người di cư nhiều hơn ta tưởng. Phải chăng đôi khi ta đã quên rằng họ là lực lượng lao động thiết yếu của mỗi quốc gia. Tại quê hương tôi, những lao động di cư, trong đó rất nhiều người đến từ Việt Nam, đã làm ra nhu yếu phẩm, xây những ngôi nhà chúng tôi đang ở và sản xuất, vận chuyển thực phẩm để chúng tôi có được bữa cơm bên gia đình. Cũng những lao động ấy cần mẫn chăm sóc khi chúng tôi bị ốm, ngay cả khi bị nhiễm Covid-19, chăm sóc con cái, người già trong gia đình để ta lao vào guồng quay công việc.
Nhưng 2020 cũng kéo xuống bức màn che phủ khó khăn mà người di cư phải đối mặt. Họ bị coi thường, bị lãng quên, thậm chí bị coi như kẻ tội đồ, và là những người đầu tiên bị sa thải, bị cắt giảm công việc và trừ lương. Chỉ vì là một lao động nhập cư, họ đã bị kỳ thị, thậm chí tấn công, lạm dụng và phân biệt đối xử. Họ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch mà không phải ai cũng nhận được sự quan tâm hoặc hỗ trợ thích đáng.
2020 khắc hoạ thực tế về việc con người sống phụ thuộc vào nhau như thế nào. Nhưng mối liên kết đó lại vô cùng mong manh.
Tôi đã trải qua bốn tháng vô cùng vui vẻ và ý nghĩa ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng luôn mong ngóng sẽ sớm được về thăm gia đình, bạn bè và cả chú chó cưng của mình ở Hàn Quốc. Điều này hẳn sẽ đòi hỏi tôi, cũng như các bạn, tiếp tục vững chân trên hành trình chống lại đại dịch, nhưng theo một cách thức toàn diện, đoàn kết và trưởng thành hơn.
Với nhiều tín hiệu tích cực từ việc sản xuất vaccine, tôi mong muốn có thể kết thúc năm nay trong hy vọng: mọi người có thể thực hiện đầy đủ quyền và tự do của mình, đặc biệt là quyền tự do đi lại. Nhưng tất nhiên theo một cách an toàn, trật tự và quy củ.
Ngày Quốc tế Người di cư 18/12 là dịp để chúng ta ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng này cho xã hội, đồng thời nhắc lại sự cần thiết của việc tôn trọng quyền và phẩm giá của họ.
Park Mi Hyung