Giữa tháng 4, các con đường dẫn vào rẫy tiêu, cà phê ở Tây Nguyên tấp nập những người đàn ông lấm lem đất. Tiếng máy khoan giếng vang rền cả khu vực. Dưới cái nắng đỏ da, từng tốp người mồ hôi nhễ nhại, hì hục kéo những xô đất đỏ từ lòng đất lên bờ.
Tốp thợ 4 người do anh Đào Tiến Thành ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) thuê đào giếng 10 ngày nay vẫn chưa có nước, dù đạt độ sâu gần 30 m. Số tiền trả cho thợ đã hơn 20 triệu đồng trong khi dự đoán phải đào 5-7 m nữa mới bắt được mạch nước ngầm.
"Tôi có sẵn 2 giếng rồi nhưng sau Tết nó hết nước, gần 3 ha cà phê khô nhánh, rụng lá nên phải thuê đào gấp. Mấy giếng cũ mình cũng cho đào thêm 4 m rồi khoan ngang tìm mạch nước ngầm. Tốn gần 50 triệu rồi, hi vọng trời thương cho nước", anh Thành nói, vẻ ngán ngẩm.
Trước đây gia đình anh Thành chỉ cần đào 15-20 m, nước đã tuôn xối xả. Ba hecta cà phê chỉ cần một giếng nhưng nay chỉ cần tưới 10 phút là hết nước. Việc khoan, đào xuống sâu tìm nước ngầm gặp khó khăn khi thường xuyên vướng đá bàn. Loại đá cứng, nằm cách mặt đất 30-40 m.
Tại xã Hbông ("rốn" hạn của huyện Chư Sê, Gia Lai), người dân cũng tranh nhau thuê thợ về khoan giếng. Ông Hoàng Đinh - chủ cơ sở khoan giếng - cho biết, nhà ông có 3 tốp thợ nhưng hai tháng nay không có ngày nghỉ ngơi. Bản thân ông cùng hai con trai cũng mang máy đi khoan.
"Một ngày tôi nhận hàng chục cuộc gọi hối thúc của khách vì tiêu, cà phê của họ đang chết dần, nghe xót lắm. Nhưng khoan sâu mới có nước, lại toàn đụng đá bàn nên thợ mất rất nhiều thời gian. Tiền thì nhiều thật nhưng trong cảnh bà con khốn khó vầy cũng không ham", ông Đinh nói.
Tình trạng thiếu nước hiện diễn ra nghiêm trọng hơn ở thủ phủ cà phê - Đăk Lăk - do hàng trăm hồ, đập đã kiệt nước. Do vậy người dân chỉ còn biết đào giếng mới hy vọng có nước cứu cà phê. Không may mắn như nhiều người, anh Nguyễn Thế Lâm (huyện Cư M'gar) cho biết đã khoan giếng xuống độ sâu gần 100 m vẫn chưa thấy nước, tốn hàng chục triệu đồng. Hiện, nhóm thợ đang khoan mũi thứ hai.
Tương tự anh Lâm, các chủ vườn cà phê khác dù đang khó khăn vẫn sẵn sàng vay ngân hàng hàng chục triệu đồng để khoan, đào giếng. Đây được xem là giải pháp duy nhất khi tất cả nguồn cung nước khác đã “đầu hàng” đại hạn.
"Dân chúng tôi giờ trăm người như một, ai cũng lo chọc đất tìm nước, có nhà khoan đào đến 2-3 giếng để có nước tưới. Nhiều nhà khoan hơn trăm mét cũng không có nước", anh Lâm tỏ vẻ ngao ngán.
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 500.000 ha cà phê. Trong đó hơn 50% nguồn nước tưới vào mùa khô được lấy từ các giếng khoan, giếng đào.
Trong khảo sát của trường Đại học Thủy lợi Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), tại một số vùng, cứ một km2 có tới 120-180 giếng đào, khoan lớn nhỏ với tần suất khai thác hơn 200 triệu lít mỗi ngày đêm. Mùa khô năm sau thì số giếng tăng rất nhiều so với năm trước. Độ sâu của giếng theo đó cũng gia tăng liên tục qua từng năm.
Còn nghiên cứu của Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên chỉ ra mực nước ngầm tại Đăk Lăk, Đăk Nông đã thấp hơn khoảng 2 m so với bình quân nhiều năm. Trong đó, vùng Cư Bao (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk) cá biệt nhất, sụt giảm 4 m so với bình quân nhiều năm.
Tốc độ phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên ngày một tăng nhanh, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước càng lớn. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm đã đến mức báo động, không kiểm soát nổi.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Wasi, mô hình tưới tiết kiệm được khuyến cáo áp dụng từ rất lâu nhưng người dân vẫn sử dụng nước lãng phí. Cà phê trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước một gốc mỗi lần, chu kỳ tưới 20-22 ngày. Hai năm tiếp theo, nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22-25 ngày. Đối với cà phê thu hoạch, cần tưới khoảng 500 lít một gốc mỗi lần.
Nhưng người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới 5 lần trong một mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600-700 lít một gốc. Với thói quen này, lượng nước tưới gây lãng phí lên tới 300-400 lít một gốc.
Do hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp nhất trong 20 năm qua nên hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên đang kiệt nước. Nhiều hồ trơ đáy, các con suối, sông nhỏ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài việc tiếp nước, dân Tây Nguyên mong trận mưa lớn để giải "cơn khát" kéo dài hơn 3 tháng nay.
Duy Trần - Nhật Hạ