Các tỉnh Tây Nguyên đang trong đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán nặng nhất 20 năm qua đã khiến cây cỏ chết khô. Đàn bò hàng nghìn con không có thức ăn nên nhiều con chỉ còn da bọc xương.
Vét những giọt nước cuối cùng trong lu cho đàn bò 5 con, ông Nguyễn Văn Bá ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết sông suối cạn khô, giếng hết nước nên bò chỉ được uống nước rửa rau, vo gạo. Một xô nước rửa rau lóng cặn khoảng 8 lít được ông chia cho cả đàn. Đây là lần uống nước duy nhất của chúng trong ngày.
"Nước kiệt hết rồi, giếng bơm không lên nữa. Giờ người không có nước uống nói chi trâu bò. Muốn có tui phải chạy sang vùng khác xin nhưng cũng chỉ đủ sinh hoạt cho gia đình", lão nông nói.
Ông bảo, đàn bò cũng ngán ăn rơm rạ vì khô queo quắt nhưng cỏ đã cháy hết, không mọc nổi. Bò ốm trơ xương, ông muốn bán để đỡ gánh nặng nhưng giá hiện thấp hơn ngày thường đến phân nửa.
"Trước hạn, cặp bò của tui nó trả gần 30 triệu đồng, giờ còn 15 triệu làm sao bán. Mà xuống giá cũng phải, hạn hán khắp nơi thế này ai dám mua rồi cỏ đâu mà cho ăn, nước đâu mà cho uống. Thương lái mua về cũng chỉ làm thịt thôi", giọng ông Bá đầy ngán ngẩm.
Tại "rốn" hạn của huyện Chư Pưh, trên các đồng lúa khô cháy, hàng trăm con bò không buồn ăn. "Khô hạn lúa bỏ đầy đồng bò ăn cũng ngán bởi ăn xong chúng không có nước uống, rát họng lắm. Tôi cứ thả đó chúng đói thì ăn, chớ cỏ cháy khô, đồi trọc đâu còn gì", anh Ksor Năng đang chăm đàn bò cho biết.
Còn tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai) đến rơm rạ cũng không có để cho bò ăn. Người dân phải tìm mua để cứu đàn bò khi hết cỏ. Chị Rơ Chăm Huyên cho biết cứ hơn một tuần phải mua một xe rơm giá gần 2,5 triệu đồng cho 7 con bò.
"Đắt quá, năm trước mình mua chừng đó chỉ 1,5 triệu thôi. Giờ giá cao quá không biết chịu được đến khi nào, mà không mua thì bò lấy gì mà ăn. Mình bán cũng không được vì giá thấp, lỗ nhiều lắm", chị Huyên chia sẻ.
May mắn nhất là khu vực dọc hai bờ sông Ba - con sông duy nhất còn nước tại đây - người dân lùa hàng nghìn con bò từ vùng cao xuống kiếm cỏ, cây tươi còn sót lại. "Giờ chỉ còn cách là ráng bỏ tiền giữ lại bò chờ mưa xuống, hoặc bán rẻ cho người ta giết thịt. Nhiều người đuối sức đã xẻ thịt bò đem bán chứ chịu không nổi với hạn", ông Ksor Út nói.
Theo thống kê, Gia Lai là tỉnh đứng thứ hai cả nước về tổng đàn gia súc với 450.000 con, trong đó nhiều nhất là bò. Đây là nguồn thu lớn cho bà con nông dân, đồng thời cung cấp phân bón cho hàng trăm nghìn ha cây trồng.
Hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên kiệt nước, nhiều hồ trơ đáy, các con suối, sông nhỏ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài việc tiếp nước, dân Tây Nguyên mong trận mưa lớn để giải "cơn khát" kéo dài hơn 3 tháng nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ ở Tây Nguyên tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tây Nguyên thị sát, chỉ đạo chi ngay 300 tỷ đồng xây một con đập ở Gia Lai, đề nghị thủy điện xả nước gấp cứu người dân.
Duy Trần