Khu vườn 6 ha trồng hàng nghìn gốc thanh nhãn của người phụ nữ 72 tuổi nằm tại ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Hằng năm, từ tháng 7-8 là chính vụ thu hoạch thanh nhãn, hàng chục nhân công tranh thủ làm việc, đóng gói sản phẩm bán đi khắp nơi.
Gần 30 năm trước, bà Kiều phát hiện trong vườn nhãn cổ của gia đình có vài gốc nhãn già cỗi nhưng trái thơm ngon. Trái nhãn cơm dày, khô ráo và giòn hơn hẳn những giống khác. Bà lấy hạt tiếp tục nhân giống, rồi mày mò ghép cành lên những gốc nhãn xuồng trong vườn. Sau nhiều năm nghiên cứu, trải qua nhiều lần lai tạo, bà cho ra đời giống mới, có tên gọi là thanh nhãn.
Ban đầu, bà Kiều chỉ bán nhãn cho người dân địa phương. Tuy nhiên sức tiêu thụ kém, bà lặn lội đem nhãn tiếp thị đến Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Thời điểm này nhiều người chê giá quá cao - 50.000-60.000 đồng một kg trong khi giá nhãn thường đắt nhất chỉ 20.000 đồng một kg. Dù khách hàng nhận xét giá quá cao, bà quyết không hạ xuống mà kiên trì đem đi giới thiệu khắp nơi bởi tin vào chất lượng giống nhãn mới.
"Mấy chục năm trước gia đình bảo lãnh đi Mỹ định cư, nhưng tôi quyết định ở lại để giữ gìn vùng đất với giống nhãn của cha ông để lại", bà Kiều nói.
Trải qua nhiều năm bà nhân giống khắp khu vườn, thay thế dần giống cũ sang thanh nhãn. Năm 2014, thanh nhãn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu độc quyền. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình bà Kiều mà còn giúp sản phẩm tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Hiện giống mới được nhiều được nhiều người tìm mua, hàng không đủ bán. Tuy nhiên bà không sử dụng phân, thuốc hóa học để tăng năng suất mà vẫn kiên trì với sản phẩm sinh học. Chính vì vậy dù sản lượng nhãn không cao, mỗi năm chỉ khoảng 10 tấn, song bù lại đến mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi đến đặt hàng trước, thu mua giá 90.000-120.000 đồng mỗi kg
"Giống nhãn này chỉ ra trái tự nhiên, người trồng tác động với mong muốn gìn giữ giống thanh nhãn chính gốc", bà Kiều nói.
Bà Kiều cho biết so với nhiều giống nhãn đang trồng phổ biến ở các tỉnh, thành miền Tây, thanh nhãn có nhiều đặc điểm ưu việt hơn, thích nghi tốt với nhiều vùng đất, nhưng ngon nhất khi trồng ở Bạc Liêu. Hiện ngoài bán trái, gia đình bà còn nhân giống nhãn, cung cấp cho người dân ở các tỉnh, thành.
Xác định đây là trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2022 UBND TP Bạc Liêu đầu tư hơn 15 tỷ đồng triển khai dự án trồng mới 100 ha thanh nhãn ở xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát. Tỉnh cũng định hướng thành lập hợp tác xã để tiếp tục nhân giống cây đặc sản này thanh nhãn ở Bạc Liêu.
Hiện thanh nhãn được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch. Một số doanh nghiệp đặt vấn đề xuất khẩu thanh nhãn nhưng sản lượng hiện tại của Bạc Liêu chưa thể đáp ứng. "Nếu sản lượng tốt, trong tương lai các nhà vườn ở địa phương có thể liên kết xuất khẩu thanh nhãn", bà Kiều nói.
TS Nguyễn Thị Kiều (Trưởng khoa Nông nghiệp, Đại học Bạc Liêu) cho biết thanh nhãn là giống đột biến từ cây nhãn cổ, ra hoa tự nhiên. Trái nhãn to hơn các loại khác, tỷ lệ thịt hơn 80%, khô, ráo và ít nước, ăn có vị ngọt thanh; vỏ dày nên thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch.
An Minh