Chiều 6/11, nước kênh Tẻ dâng cao khiến đoạn đường hơn một km từ cầu Tân Thuận 2 đến đường số 14A, quận 7 bị ngập nặng nhất. Nhiều người đi xe máy cố vặn ga chạy thật nhanh qua chỗ ngập. Tài xế container chạy chậm nhưng cũng tạo thành những sóng nước hất vào những người đi xe máy. Nhiều người chạy loạng choạng, va chạm vào các xe khác trên đoạn đường trắng xoá nước.
Anh Đinh Văn Tuấn, 48 tuổi, nhà ở hẻm đường Trần Xuân Soạn chở 2 bao đá trên xe cũ chạy vào đường ngập giao cho khách trên ghe đậu sát kênh Tẻ. "Mình ở đây mấy chục năm nên khi thấy triều là tìm đường tránh, còn nhiều người nơi khác tới, không quen đường, hầu như xe chết máy, phải dắt bộ", anh Tuấn.
Ở bên kia đường, quán cơm chiên do gia đình anh Nguyễn Hồng Đẳng, 30 tuổi, ở dưới chân cầu Tân Thuận 1 phải nghỉ bán vì nước vào nhà, đến mắt cá chân. Mỗi khi xe ôtô đi qua tạo thành sóng nước khiến đồ đạc trong nhà trôi theo sóng ra đường. " Mình phải ngồi canh, chứ nhiều lần mất xoong nồi vì nước cuốn đi. Người nhà phải lấy dây cột bàn ghế vào gốc cây bên vỉa hè để không bị mất", anh Đẳng kể.
Tại huyện Bình Chánh, đoạn đường hơn 200 m giao giữa quốc lộ 50 và Nguyễn Văn Linh cũng ngập nửa bánh xe. Nhiều xe chết máy, người đi đường phải cố dắt qua chỗ ngập. Nhà dân hai bên đường phải dựng bao cát, ván gỗ... để chắn nước. Các khu vực thấp khác như đường Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức); Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè)... cũng bị ngập trong đợt triều cường này.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo đỉnh triều xuất hiện trong khoảng 17h-18h hôm nay (6/11) mức 1,68 m tại trạm Phú An và 1,72 m tại trạm Nhà Bè. Triều cường duy trì ở mức cao, trên báo động 3 (1,6 m) đến ngày 8/11 sau đó mới xuống dần.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo đây là đợt triều cường cao, khả năng kết hợp mưa lớn gây ngập nhiều khu vực trũng thấp. Triều xảy ra vào giờ tan tầm nên người đi đường cần tránh đi vào những đường thường xuyên bị ngập, xe dễ chết máy. Người sống hai bên đường cần kê cao đồ đạc, ổ cắm điện và các thiết bị điện không đảm an toàn cần ngắt để không xảy ra sự cố, cháy chập.
Triều cường đợt này được xem cao nhất từ đầu năm. Năm ngoái, triều cường tại TP HCM cao nhất 1,76 m vào giữa tháng 11. Hơn 10 năm qua, triều cường tại thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009, mức triều 1,57 m vào tháng 11, cao nhất trong 50 năm. Năm 2013, triều cường lập kỷ lục mới với mức 1,68 m, năm 2014 là 1,7 m, năm 2017 mức 1,72 m, năm 2019 là 1,8 m.
Hà An