Vào một buổi sáng, Eileen Muza, 36 tuổi, thức giấc vì nghe thấy tiếng trẻ em khóc, cô tưởng rằng mình bị ảo giác hoặc nghe thấy những hồn ma. Bởi khi đó Muza đang sống một mình ở Cisco, một thị trấn không người, không có cả nguồn nước, nằm ở giữa sa mạc bang Utah.
Eileen Muza vốn là một nghệ sĩ thị giác và làm nghề trồng hoa ở Chicago. Năm 2015, Muza lên chuyến bay tới Utah đi du lịch và người phụ nữ ngồi cạnh cô kể rằng Cisco là điểm dừng chân khá thú vị nằm trên đường tới Vườn quốc gia Canyonlands - nơi cô đang đến. Thị trấn nhỏ này được xây dựng từ thập niên 1880 nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm.
Lần đầu tới Cisco, Muza thấy sợ và không chắc liệu thị trấn có thực sự bị bỏ hoang. Một số công trình trông vẫn còn mới và cô còn thấy chảo vệ tinh - một thứ rất bất thường ở thị trấn bị bỏ hoang từ thập niên 1970 (lúc đó con đường cao tốc xuyên bang Interstate 70 mới được xây dựng).
Cisco từng được nhắc tới đôi lần trong phim ảnh và âm nhạc. Thị trấn từng làm bối cảnh trong các phim như "Vanishing Point", "Thelma and Louise", và từng được Johnny Cash thu âm bài hát tên "Cisco Clifton's Filling Station" vào năm 1967.
Muza mô tả Cisco khi nhìn bên ngoài giống như một đống rác ném từ cửa sổ ôtô vào một cánh đồng lớn. Vẫn còn vài công trình kiến trúc đổ nát, vài chục căn lều vô chủ, những chiếc ôtô cũ hỏng, một bưu điện nhỏ, một chiếc xe buýt cũ của trường học và một chiếc xe hiệu Winnebago từ thập niên 1970.
Sau chuyến đi nghỉ ở Utah đó, Muza không chỉ ghé thăm Cisco mà cô còn mua luôn nơi này. "Bạn biết cảm giác khi du lịch trở về và có thứ gì đó cứ thúc giục bạn không? Tôi về nhà và cứ nghĩ mãi về thị trấn nhỏ đó. Tôi thấy thật kỳ lạ khi cứ để những thứ đó bị bỏ mặc. Tại sao mọi người lại ra đi? và trông cứ như thể mọi người chỉ đứng lên rồi bỏ lại hết", Muza kể sau đó cô tìm ra chủ nhân mảnh đất và mua lại nó với giá của một chiếc ôtô cũ.
Cô hoàn toàn ngạc nhiên vì không ai làm gì nơi này, với cô việc mua lại Cisco là điều tất yếu. Đó là điểm khác biệt giữa Muza và các du khách từng đến Cisco. "Tôi luôn muốn thử làm gì đó thay vì lặng thinh, nếu không tôi sẽ rất khó chịu".
Hiện thị trấn vẫn còn đường điện và dịch vụ wifi nhưng không có nguồn nước sinh hoạt. Muza cho hay cô phải tích trữ nước mưa và dùng vòi tắm hoa sen chạy bằng năng lượng mặt trời.
Mặc dù Cisco là tài sản riêng có biển cảnh báo cắm bên ngoài, Muza còn bất ngờ vì rất nhiều người đi lang thang tham quan thị trấn. Trong khi một số du khách đến xin phép chụp hình thì nhiều người khác lại xây dựng câu chuyện về "thị trấn ma". Họ nghĩ họ làm gì cũng được như đập vỡ cửa sổ, hoặc đột nhập vào các tòa nhà mà cô đã sửa sang để đôi lúc đón bạn bè tới chơi.
Muza gần như phải tự làm hết mọi thứ ở Cisco, cô sửa chữa, thay thế và xây dựng đồ đạc để một người có thể sống ở đây, từ sửa lại cửa sổ cho tới lắp đặt bếp nấu. Mới đây cô còn cải tạo một chiếc xe kéo và xây phòng tắm hơi.
Là một nghệ sĩ, Muza nhìn thấy ở thị trấn bỏ hoang này là tiềm năng và rất nhiều vật liệu để sáng tạo. Trong khi mọi người thấy Cisco toàn rác thì với cô nơi này là một món hời khổng lồ. "Tôi không muốn tái tạo thành một thị trấn miền Tây, tôi cũng không hứng thú với việc làm phim hay đại loại vậy. Tôi chỉ yêu thích các ngôi nhà, những thứ xung quanh đây và lịch sử của chúng".
Muza có một hộp thư bưu điện ngoài trời và có thể nhận đồ đặt hàng từ Amazon. Đây là điểm cộng lớn vì các thành phố gần nhất như Moab, Utah, Colorado... đều cách khoảng một tiếng di chuyển. Do vị trí xa xôi và đại dịch Covid-19 mà Muza chỉ đi mua thực phẩm một lần mỗi tháng.
Thực tế Muza không hề đơn độc ở thị trấn ma vì cô tự xây cho mình một nơi ở mà cô gọi là Home of the Brave (Nhà của kẻ kiên cường). Ngôi nhà mới được hoàn thiện năm 2019, nhờ tiền quyên góp từ các nghệ sĩ, bạn bè làm việc chung với cô trong những dự án.
Kỳ thực Muza hiếm khi ở một mình, khi chuyển tới Cisco sống, cô vẫn làm việc cùng các nghệ sĩ khác. Nhà cô luôn chào đón hai nghệ sĩ khác tới làm chung một tháng mỗi năm. Muza hy vọng các du khách hay nghệ sĩ tới Cisco sẽ có cái nhìn mới về đời sống nơi này, họ có thể biết thêm cách sinh tồn mà không có nước.
Trải qua 5 năm sống ở Cisco, Muza học được nhiều thứ. "Học cách thoải mái với bản thân là bài học giá trị nhất của tôi. Bởi nếu thoải mái thì bạn sẽ không còn sợ hãi nữa. Ngoài kia, xã hội có quá nhiều áp lực, bạn sẽ tự tin hơn hẳn khi thoải mái với bản thân mình mà không cần sự cho phép của ai khác".
Ban đầu Muza thấy sợ và nghi ngờ về quyết định mua Cisco nhưng mỗi ngày đầy ắp công việc trôi qua, cô càng tự tin. Cô liên tục tự nhủ rằng, không có ai ở đây không có nghĩa là mọi thứ đều tan biến, cô đơn ở hiện tại cũng không có nghĩa là bạn sẽ cô đơn mãi mãi. Bạn chỉ sợ sệt hơi lâu thôi, cuối cùng bạn cũng mệt tới mức không sợ nữa và phải ngủ nghỉ rồi nhận ra chẳng có con ma nào xuất hiện.