Ngày xưa, ba đi làm thường bị các chú bác cùng cơ quan khích "không con trai là yếu, ngồi mâm dưới", ông về nhà thường nhăn nhó, khó chịu, đánh đập mỗi khi chúng tôi làm gì không vừa ý. Ngày nhỏ, chị em chúng tôi vất vả và biết thân phận, nhỏ đã biết phụ mẹ ra chợ bán hàng, đi mót cà phê, bán đồ nhậu buổi tối.
Mỗi ngày, ba chị em gái lớn đi học buổi sáng, buổi chiều sơ chế đồ ăn, rửa chén muỗng, rau... rồi chất lên xe kéo, đẩy ra đường. Buổi tối một đứa bán, hai đứa còn lại cầm bịch đi dọc các đại lý buôn cà phê để mót những hạt đổ ra đường, lúc rảnh mang sách vở ra ngồi học. Chúng tôi ngồi bán đến 12 giờ đêm, có khi khách uống rượu, ngồi lì đến tận một giờ sáng. Những ngày mưa gió, chúng tôi dọn vào hiên nhà ngồi ké. Lắm đêm quá buồn ngủ, chị em tôi thay phiên vào những sạp ở chợ để ngủ, mặc cho muỗi đốt. Tôi bị lạm dụng tình dục bởi những người khách say xỉn nhưng chẳng dám nói với ai.
Chúng tôi không dám nghỉ bán buổi nào vì sợ để qua ngày hư hàng và mẹ giao nhiệm vụ phải bán để lấy tiền lời mua sách vở. Tuổi thơ chúng tôi là những ngày thiếu thốn, thèm khát ổ bánh mì không dám ăn, thiếu ngủ, thèm được ngủ một giấc ngủ sớm như con người ta. Mãi đến năm vào cấp 3, khi kinh tế gia đình tốt hơn, chị em tôi mới được nghỉ bán nhưng một buổi đi học, buổi còn lại phải nuôi heo, đi lượm cà phê thuê cho các đại lý, chủ nhật theo ba mẹ lên rẫy làm. Vất vả là thế nhưng về tinh thần, chúng tôi đã phải chịu sự hà khắc chỉ vì là con gái. Ba đã dùng rất nhiều từ để miệt thị chị em tôi: "Con gái không làm được trò trống gì, xem con trai người ta kia kìa". Một lần vì quá bức xúc tôi đã cãi lại, bị ba dọa đánh.
Mẹ nhu nhược, mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, xem việc chúng tôi bị ba đối xử như vậy là đương nhiên. Chính bà cũng không muốn sinh ra chúng tôi, chẳng qua chưa sinh được con trai, lỡ sinh chúng tôi nên đành chịu. Bà cũng cảm thấy có lỗi vì chưa sinh được con trai như ý ba. Chính vì những điều như vậy nên từ nhỏ tôi là một học sinh nhút nhát, hay lo nghĩ và sợ sệt. Rồi chị em chúng tôi tốt nghiệp cấp ba thì mẹ sinh được con trai. Vào đại học, đi học xa nhà, chúng tôi luôn chọn những trường có học phí rẻ nhất, ăn uống kham khổ để tiết kiệm, đi làm thêm trang trải cuộc sống vì ba luôn bớt tiền lại mỗi khi tôi xin tiền học phí.
Ra trường đi làm, mặc dù ở trọ, tiền lương không nhiều, chúng tôi vẫn cùng nhau sắm sửa những vật dụng trong nhà, mua bánh trái cho em, đóng góp tiền để ba mẹ xây nhà. Tình cảm chúng tôi được cải thiện đôi chút nhưng sâu trong tim mỗi người đều là nỗi đau, tôi chẳng thể ôm ba mẹ hay thể hiện tình cảm, tâm sự được. Ngược lại với chúng tôi là em trai út, ba mẹ thương yêu và chiều em, được cái em cũng khá ngoan và học giỏi nên ba mẹ càng thương yêu và tự hào về em hơn.
Em không phải làm bất cứ việc gì, cơm nước đều có các chị lo, đồ em mặc luôn là đồ đắt tiền. Em được học trường đắt tiền, ra trường các chị bảo bọc và xin giúp cho chỗ tốt để làm việc. Dù không nói ra nhưng sau này tài sản của ba mẹ chắc chắn để hết cho em, vì chúng tôi đã được ba mẹ cho một ít khi kết hôn. Đáng buồn, em xem đó là đương nhiên. Chúng tôi hay kể những chuyện đã trải qua nhưng em trai không quan tâm mấy, bảo thời các chị khác, em khác. Cuộc đời em như được dọn sẵn để tiến lên.
Chúng tôi làm chị nên rất thương em, muốn vun đắp và dành cho em những điều tốt nhất. Tận sâu trong đáy lòng chúng tôi cũng rất buồn vì sinh ra là con gái, sống trong một gia đình khao khát con trai nên phải khổ. Chúng tôi cũng không ai dám ý kiến về tài sản của ba mẹ vì không có quyền và người đời còn mang nhiều tư tưởng: "Con trai được tất, con trai là con mình, con gái hưởng phước nhà chồng". Thú thật là nhà chồng tôi cũng nghèo nên chẳng có phước gì để hưởng cả.
Tôi rất mong các chị em phụ nữ hãy công bằng với con chúng ta cả về tình yêu thương và vật chất, con nào cũng là con, chúng ta sinh con theo khả năng kinh tế và điều kiện nuôi dạy, sức khỏe bản thân. Đừng sinh con vì mong muốn giới tính, vượt khả năng nuôi dạy. Hãy để con có môi trường tốt học tập, phấn đấu. Hãy dạy chúng biết thương yêu nhau các bạn nhé. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết.
Hồng Hải
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc