Bệnh nhân quê Thanh Hóa, là trường hợp ghép tim thứ hai tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hôm 14/5. Chị bị suy tim giai đoạn cuối, phân suất tống máu giảm do bệnh cơ tim giãn. 5 năm trước chị được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái (máy LVAD) để chờ đợi cơ hội được ghép tim.
"Trước khi ghép, chức năng tâm thu thất trái chỉ còn 15%, bệnh nhân sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy, nghĩa là nếu máy ngừng hoạt động sẽ tử vong ngay", Đại tá Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, phẫu thuật viên chính, cho biết.
Người hiến tim là chàng trai 19 tuổi, bị tai nạn giao thông 10 ngày trước, hôn mê sâu. Sau 8 ngày hôn mê, các chuyên gia đánh giá kết luận anh đã chết não. Người nhà đồng ý hiến tim, gan và hai thận, mong tìm cơ hội sống cho những người đang chờ được ghép tạng.
Ngày 13/5, bệnh viện hội chẩn đa ngành để xây dựng kế hoạch ghép một cách kỹ lưỡng, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc cho các ca ghép. Trong đó, ca ghép tim cho bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái được đánh giá phức tạp nhất.
"Bệnh nhân ghép tim từng được cấy máy LVAD hỗ trợ thất trái nên tim sẽ rất dính, có nhiều nguy cơ trong phẫu thuật", Thiếu tướng Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện 108, nói và thêm rằng đây là bài toán khó, cần phải giải.
Các chuyên gia đánh giá kíp mổ đặt dụng cụ 5 năm trước đó của bệnh nhân này đã không đóng màng ngoài tim, tim dính vào ngay mặt sau xương ức, khi mở ngực nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ thủng, rách buồng tim gây chảy máu ồ ạt. Khối máy đặt cũng khá lớn, nằm ở vị trí sâu nhất trong khoang màng tim có nguy cơ dính rất nhiều vào các cơ quan lân cận như phổi, màng tim, cơ hoành cũng gây khó khăn rất nhiều cho việc bóc tách.
Khó khăn tiếp theo là cần phải điều khiển đồng bộ giữa hoạt động của hệ thống LVAD và máy tuần hoàn ngoài cơ thể sử dụng thay thế cho tim lẫn phổi trong phẫu thuật. Đây là lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam nên chưa đơn vị nào trong nước có kinh nghiệm.
Kíp ghép tim thận trọng tính toán mọi tình huống và đưa ra giải pháp chiến thuật hợp lý để thực hiện ca mổ một cách an toàn. "Trên thực tế, chỉ riêng thời gian gỡ dính, cắt trái tim bệnh lý cùng với hệ thống LVAD ra khỏi cơ thể người bệnh mất tới 3 giờ", bác sĩ Hải nói, thêm rằng sau khi ghép xong trái tim mới, kíp mổ mất thêm một giờ nữa để cầm máu kỹ lưỡng các diện bóc tách.
Ca phẫu thuật thành công, những nhịp đập đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình monitor sáng 14/5. Đồng thời, các tạng khác cũng được ghép cho những bệnh nhân khác thành công.
Hiện, sau gần một tuần ghép, sức khỏe của các bệnh nhân phục hồi tốt. Bệnh nhân ghép tim tiếp xúc tốt, đã được rút nội khí quản, tự thở. Các bệnh nhân ghép gan, ghép thận hồi phục, chức năng gan, thận đang cải thiện. Các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và chăm sóc, điều trị 24/24.
Suy tim giai đoạn cuối là hậu quả cuối cùng của tất cả bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm và phương pháp điều trị tối ưu nhất là ghép tim. Người suy tim giai đoạn cuối, cấy ghép dụng cụ hỗ trợ thất trái là phương pháp được thế giới áp dụng thường quy trong khi chờ đợi ghép tim. Tuy nhiên, thế giới cũng như Việt Nam, tim ghép vẫn luôn là bài toán khó do số lượng người hiến tim vô cùng ít.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó ghép thận 7.914 ca; ghép gan 593 ca; ghép tim 82 ca; ghép phổi 10 ca; ghép tụy 1 ca; còn lại 8 ca ghép ruột, ghép đa tạng khác.
Trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Lê Nga