Sinh ngày 22/9/1939 tại thị trấn Miharu, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, Junko Tabei là con gái thứ năm trong gia đình có 7 người con. Để chứng minh mình không yếu ớt, bà đã tham gia chuyến leo núi Nasu với bạn cùng lớp khi 10 tuổi. Nhờ cảm hứng từ trải nghiệm này, bà bắt đầu nảy sinh niềm đam mê trọn đời đối với bộ môn leo núi.
Tabei tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục và văn học Anh. Bà tham gia các câu lạc bộ leo núi và không ngừng trau dồi kỹ năng của mình trên các đỉnh núi ở Nhật Bản, trong đó có núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất đất nước.
Bà từng làm việc cho Hiệp hội Vật lý Nhật Bản và biên tập Tạp chí Vật lý châu Âu. Sau khi kết hôn với người bạn leo núi Masanobu, bà thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ Leo núi (LCC), dành riêng cho nữ.
Năm 1970, LCC tổ chức một đoàn leo núi Annapurna III cao hơn 7.500 m trên dãy Himalaya. Trong số 8 người, một mình Tabei lên được đến đỉnh.
LCC sau đó quyết định lập một nhóm gồm 15 người có tên "Chuyến thám hiểm Everest của Phụ nữ Nhật Bản", đặt mục tiêu chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới. Họ lên kế hoạch đi theo con đường tương tự hai nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay từng thực hiện vào năm 1953. Họ nộp đơn xin leo Everest vào năm 1971 nhưng phải đợi 4 năm mới có giấy phép.
Khi họ tìm kiếm tài trợ từ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, một số người đã nói với Tabei rằng chuyến thám hiểm này là một "điều điên rồ", rằng ngọn núi cao nhất thế giới thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão và đó sẽ là một cuộc chạy đua với thời gian bởi những đợt gió mùa sắp tới.
"Họ nói với tôi một cách thẳng thừng 'quên chuyện leo núi đi. Thay vào đó, tại sao cô không ở nhà chăm con?", Tabei kể. Con gái của Tabei khi đó ba tuổi.
Cuối cùng, Tabei đã thành công xin được tài trợ từ báo Yomiuri Shimbun và kênh truyền hình Nippon nhưng mỗi thành viên cần phải đóng 1,5 triệu yen (5.000 USD). Tabei đã dạy piano để kiếm thêm tiền. Để tiết kiệm, bà đã tự chế nhiều dụng cụ, như đôi găng tay chống thấm nước từ tấm che ôtô và may quần từ rèm cửa cũ.
Sau một thời gian huấn luyện dài, nhóm thực hiện chuyến thám hiểm vào tháng 5/1975 cùng 6 hướng dẫn viên Sherpa, nhóm người bản địa làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý cho những nhà leo núi. Ngày 4/5/1975, khi cả nhóm đang cắm trại ở độ cao 6.300 mét thì một trận tuyết lở ập đến. Tabei bị chôn vùi dưới tuyết, bất tỉnh và bị thương. Bà được hướng dẫn viên kéo ra và không có ai trong đoàn leo núi thiệt mạng.
Sau hai ngày nghỉ ngơi để hồi phục, Tabei và nhóm của mình tiếp tục hành trình. "Ngay khi biết mình còn sống, tôi càng quyết tâm tiếp tục", Tabei kể lại suy nghĩ khi đó.
Ban đầu nhóm lên kế hoạch rằng hai thành viên sẽ lên đỉnh Everest cùng với một hướng dẫn viên Sherpa, nhưng những người Sherpa không mang theo số lượng bình oxy cần thiết cho hai nhà leo núi. Tabei cuối cùng được chọn là người tiếp tục hành trình vào ngày 10/5/1975, cùng với hướng dẫn viên Ang Tsering.
Khi gần đến đỉnh, Tabei bất ngờ khi phát hiện mình sẽ phải băng qua một dải băng mỏng, nguy hiểm mà những người thám hiểm trước đó không đề cập. Bà bò dọc theo nó và mô tả đây là trải nghiệm căng thẳng nhất trong đời. Vào ngày 16/5/1975, Tabei trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Bà vẫy lá cờ Nhật Bản và ở trên đỉnh núi khoảng 50 phút. Bà mô tả hành trình đi xuống cũng rất gian nan.
Sau thành công, Tabei ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Tại Kathmandu ở Nepal, một cuộc diễu hành đã được tổ chức để vinh danh bà. Khi trở về Nhật Bản, bà được hàng nghìn người ủng hộ chào đón tại sân bay Tokyo. Bà cũng nhận được thông điệp chúc mừng từ Vua Nepal và chính phủ Nhật Bản. Một bộ phim truyền hình đã được thực hiện về chuyến thám hiểm Everest và Tabei xuất hiện tại các sự kiện trên khắp Nhật Bản.
Sự nghiệp leo núi của bà còn được tô điểm bởi rất nhiều thành tích khác. Từ năm 1990 đến 1991, Tabei chinh phục thành công đỉnh Vinson, ngọn núi cao nhất Nam Cực. Ngày 28/6/1992, bà hoàn thành thử thách với đỉnh Puncak Jaya ở Indonesia, trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao nhất mỗi châu lục.
"Những cơn gió không bao giờ êm dịu hơn chỉ vì những người phụ nữ đang leo núi. Điều kiện tự nhiên luôn giống nhau với mọi người", Tabei nói vào năm 2003.
Tabei cũng làm việc trong lĩnh vực sinh thái và vào năm 2000, bà hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Kyushu, nghiên cứu về tình trạng suy thoái môi trường của núi Everest. Bà trở thành giám đốc Quỹ Himalayan Adventure của Nhật Bản, hoạt động trên toàn cầu với mục tiêu bảo vệ môi trường núi.
Bà bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phúc mạc vào năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục leo núi. Tabei qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Kawagoe, phía tây bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 20/10/2016.
Tabei từng nói bà thành lập câu lạc bộ leo núi dành cho nữ một phần vì một số nam vận động viên thời đó coi thường khả năng cũng như tinh thần của những vận động viên leo núi nữ. Tuy nhiên, bà nói với báo Telegraph của Anh rằng bản thân muốn được nhớ đến với tư cách là người thứ 36 leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới, chứ không phải người phụ nữ đầu tiên đạt thành tích này. "Tôi vốn không có ý định trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục Everest", bà cho hay.
Năm 2019, một dãy núi trên sao Diêm Vương được đặt tên Tabei Montes để vinh danh bà. Đây là hoạt động của Liên đoàn Thiên văn Quốc tế nhằm tôn vinh "những người tiên phong lịch sử vượt qua các chân trời mới trong hành trình khám phá Trái Đất, đại dương và bầu trời".
Vũ Hoàng (Theo Britannica, Encyclopedia, Wikipedia)