Khi bắt đầu chương trình tiêm chủng, Pháp là một trong những quốc gia có mức độ hoài nghi vaccine lớn nhất thế giới. Giờ đây, nước này có tỷ lệ tiêm chủng cao so với các nước phương Tây. Lời khuyến khích và áp lực từ chính phủ vào mùa hè đã thúc đẩy hàng triệu người Pháp đi tiêm chủng.
Thành công của chiến dịch tiêm chủng giúp Pháp nới lỏng một số hạn chế ở các khu vực. Chiến lược đáng chú ý nhất là yêu cầu xuất trình thẻ tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính nCoV khi đến nhà hàng, hộp đêm hoặc tham dự sự kiện thể thao.
Hơn 14 triệu người Pháp đã tiêm liều vaccine đầu tiên trong vòng 11 tuần kể từ khi chính phủ ban hành quy định "thẻ vaccine" ở nơi công cộng. Nước này cũng bắt buộc tiêm chủng với nhân viên y tế và người sống, làm việc tại viện dưỡng lão. Khoảng 88% người trên 12 tuổi ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine, nhiều hơn Mỹ, Anh hoặc Đức. Nước này hiện ghi nhận tỷ lệ 61 ca nhiễm trên 100.000 người, thấp hơn so với 241 ca trên 100.000 người ở Mỹ vào ngày 24/9. Số người mắc mới ở Pháp đang giảm hơn 25% mỗi tuần, số ca tử vong và nhập viện cũng giảm.
Người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal cho biết: "Chiến lược thúc đẩy tiêm chủng tối đa của Tổng thống đã thành công".
Kể từ tháng 8, người dân muốn tham gia các hoạt động thông thường phải xuất trình thẻ xanh tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi Covid-19 trong thời gian gần đây. Ban đầu, một bộ phận công chúng phản đối quy định này. Số khác e ngại với chương trình bắt buộc tiêm vaccine.
Song chiến lược mạnh mẽ này cũng thúc đẩy hàng triệu người đi tiêm phòng. Các quan chức cho rằng đây là lý do khiến biến thể Delta lây nhiễm chậm lại.
Sự chuyển mình của Pháp là bước ngoặt lớn đối với một quốc gia có lịch sử e ngại vaccine, từng tụt lại so với các nước phương Tây trong chiến dịch tiêm chủng. Cuộc thăm dò năm 2018 cho thấy Pháp có mức độ tin tưởng vaccine thấp nhất trong 144 quốc gia. Tháng 12/2020, khảo sát của IPSOS cũng xếp hạng Pháp ở cuối trong 15 nước có người dân sẵn sàng tiêm chủng.
Ngày 12/7, Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ thông báo: Để ra vào nơi công cộng, thậm chí nhà hàng ngoài trời, người dân cần có thẻ xanh sức khỏe. Ông cũng ban hành lệnh bắt buộc tiêm vaccine với nhân viên y tế.
"Tôi biết tôi đang yêu cầu điều gì. Tôi biết các bạn sẵn sàng làm điều này", ông nói.
Ba ngày sau khi triển khai chiến dịch, hơn ba triệu người đã đăng ký tiêm liều vaccine đầu tiên qua trang web chính phủ. Hơn 9 triệu người tiêm vaccine trong tháng sau đó.
Tại một quán rượu ở trung tâm Paris, người quản lý Jamel Soussi cân nhắc tiêm chủng để đi thăm vợ ở nước ngoài mặc dù vẫn giữ mối nghi ngờ với vaccine. Anh đã đi tiêm phòng mũi đầu tiên một ngày sau bài phát biểu của Tổng thống Macron.
Tại quán cà phê Lupo, quản lý Fabrice Amarante cho biết ba nhân viên dưới 40 tuổi của ông vẫn chưa tiêm vaccine ở thời điểm ông Macron phát đi thông báo. Một tuần sau, cả ba người đều tiêm liều đầu tiên. "Nó đã hiệu quả, rất hiệu quả. Những người quyết định chờ đợi đã tiêm vaccine chỉ trong vài ngày", ông nói.
Ngày 16/9, Pháp đình chỉ khoảng 3.000 nhân viên y tế trên khắp đất nước vì chưa tiêm phòng. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết con số này chỉ chiếm 0,1% trong 2,7 triệu việc làm trong ngành.
"Một lượng lớn trong số này chỉ bị đình chỉ tạm thời, nhiều người đã đồng ý tiêm chủng sau khi thấy rằng quy định thực sự được áp dụng", ông nói.
Ông Attal cho biết chính phủ có kế hoạch kéo dài thời hạn sử dụng thẻ xanh vaccine hoặc giấy thông hành sức khỏe qua ngày 15/11, lâu hơn so với lịch trình trước đó. Quy định có thể được điều chỉnh ở những nơi mức độ virus lưu hành thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao.
"Nếu không có thẻ xanh sức khỏe, chúng ta sẽ phải một lần nữa đóng cửa nhà hàng, rạp phim, rạp hát", ông nói.
Thục Linh (Theo WSJ)