Trên đây là trích đoạn nhật ký của một phóng viên Hà Lan ở Bethlehem, trong những ngày chủ tịch Arafat bị bệnh nặng và phải chữa trị ở Paris. Trước đó, Israel đã bỏ hàng rào phong toả để ông có thể rời Ramallah ra nước ngoài chữa bệnh.
Jara thì thầm cầu mong Chủ tịch Palestine sẽ qua khỏi. Mary thì kể lại chuyện các sinh viên ĐH Bethlehem nhắc lại khẩu hiệu của ông Arafat: "Gió không thể lay chuyển núi". Giờ thì Arafat đang ốm nặng. Mary rất tức giận khi thấy những người định cư Do Thái nhảy múa, ăn mừng trên đường phố Jerusalem. "Đồ súc vật", cô nói.
Mary cho rằng nhà lãnh đạo Palestine đã bị sỉ nhục nhiều năm nay, ông bị giam lỏng và chưa bao giờ được đối xử theo cách mà lẽ ra một vị tổng thống được hưởng. Cô cho rằng lẽ ra Chủ tịch Arafat nên ở lại trụ sở Ramallah vì trong khi phải đấu tranh với bệnh tật thì ông nên ở cùng với người dân hơn là phải phụ thuộc vào giấy phép của Israel để rời Ramallah.
Tôi hơi ngạc nhiên trước nỗi tức giận của Mary. Tôi từng gặp Arafat hai lần. Đây là một con người có trí nhớ rất tốt. Tuy nhiên, tôi không ngưỡng mộ ông đến mức như vậy, có lẽ vì Mary là người Palestine - người Palestine coi Arafat như một biểu tượng, còn tôi thì không. Người ta thường nói buộc tội nhà lãnh đạo tham nhũng là không đúng. Ông không có thói gia đình trị, không ăn hối lộ, lỗi ấy thuộc về các cố vấn và bộ máy xung quanh ông.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Arafat ra đi? Ông sẽ được chôn cất thế nào? Bản thân nhà lãnh đạo Palestine muốn được an nghỉ gần Haram al-Sharif, gần đền Al-Aqsa. Người Do Thái không muốn ông ở đó, nhưng khẳng định sẽ cho chôn cất ông tại Abu Dis. Ngay đằng sau Bức tường Than khóc, nghĩa là để ông ở bên ngoài Jerusalem về mặt biểu tượng. Còn điều gì đáng sỉ nhục hơn nữa?
"Điều chúng ta nên làm là tuần hành không đem theo vũ khí, với nhiều người đằng sau quan tài. Chỉ đi thôi", các bạn tôi nói. "Liệu người Israel có bắn chúng ta không?". "Không", tôi trả lời. "Nhưng có thể họ sẽ thiết lập hàng rào người, như họ vẫn thường làm. Rồi các bạn có thể tham gia vào một trò chơi chờ đợi".
Trong khi đó, người dân đang chờ điều gì sẽ xảy ra sau khi Chủ tịch Arafat ra đi. Chủ cửa hiệu tạp phẩm bên cạnh nhà tôi lo sợ quân đội Do Thái lại tiến vào Bethlehem. Sẽ có hỗn loạn trong chính quyền? "Hỗn loạn đã xảy ra rồi còn gì nữa", nhiều người nói với tôi.
Một số người còn lo lắng về quy chế của người Thiên chúa trong cộng đồng Palestine. Ông Arafat thường được coi là nhân vật đảm bảo chống xâm phạm người Thiên chúa. Cuộc kết hôn giữa nhà lãnh đạo với một phụ nữ Thiên chúa giáo và quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Giáo hội là minh chứng.
Về mặt chính thức, các nhà lãnh đạo và giới phân tích chính trị Palestine nhấn mạnh vào sức mạnh của các thể chế trong chính quyền cùng PLO. Hơn nữa, hiện không có nhân vật nào có thể thay thế Arafat xứng tầm với nhà lãnh đạo. Marwan Bargouti, người được ủng hộ rộng rãi, đang ngồi trong nhà tù Israel. Bản thân tôi nghĩ các cuộc tranh giành quyền lực sẽ không xảy ra ngay lập tức và công khai, bởi vì không ai muốn chính quyền Israel lấy đó làm lý do để kiểm soát các vùng đất Palestine. Một vấn đề lớn nữa là bầu cử, dự kiến được tổ chức không lâu sau khi ông Arafat qua đời. Làm sao người ta có thể tổ chức bầu cử trong khi quân đội Israel ra vào lãnh thổ Palestine, và làm sao cư dân Palestine tại Đông Jerusalem tham gia?
Nguyễn Hạnh (theo Electronicintifada)