Ở tuổi 84, mệ Chậm (người Huế gọi bà là "mệ") vẫn nhọc nhằn bán chuối mưu sinh, từ 11h đến gần 22h. Mệ ngồi gần cửa Quảng Đức, khi thì trước Phu Văn Lâu (TP Huế), ngày nắng cũng như ngày mưa. Để tiết kiệm tiền, sau khi bán xong, mệ thường đi bộ gần 4-5 cây số về nhà.
Rất nhiều người cảm thông với hoàn cảnh của mệ nên thường mua chuối ủng hộ, đôi lúc tặng mệ thêm cân gạo, thùng mì tôm... Nhờ được nhiều người lan tỏa trên mạng xã hội, mệ dần trở thành gương mặt quen thuộc với nhiều người dân cố đô.
Cụ Chậm ngồi đấy, ngắm nhìn dòng người qua lại, mỉm cười hiền với đám học trò chúng tôi. Không biết trong dòng người ấy có bao giờ cụ bắt gặp hình ảnh mình ngày xưa? Chỉ biết rằng ánh mắt ấy rất sâu thẳm, nhìn xa xăm, ngút ngàn.
Những nải chuối của cụ khi sống khi chín, khi xanh khi vàng. Mà sống hay chín, xanh hay vàng không quan trọng với tôi. Cụ bán tấm lòng hơn là bán màu chuối.
Tôi chẳng nhớ cụ ngồi đó từ lúc nào, 5 năm, 10 năm hay 20 năm, chỉ biết trong suốt năm tháng cấp ba, ánh mắt cụ vô tình cất giữ bao nhiêu khung hình ý nghĩa của thế hệ học trò mỗi sáng chiều qua lại con đường này.
Tôi nhớ những cơn mưa giông đầu hè, cụ thu mình trong khóm lá, ngồi khúm rúm bên vệ đường. Người có thể núp mưa nhưng chuối sao núp được? Cứ thế những nải chuối của cụ hứng chịu những giọt nước trời. Mỗi cơn mưa ngang qua, chẳng cần hỏi, chúng tôi cũng biết tại sao cụ buồn. Chuối ướt, trái mềm nhũn, không bán được đồng nghĩa không có thu nhập. Đói. Buồn.
Những đêm đông lạnh "cứa da thịt" ở cố đô, hình bóng người mẹ già, người ngoại hiền co ro trong lớp áo len mỏng và chiếc khăn quàng cổ bịt kín tai khiến tôi cay xè khóe mắt. Cụ ngồi đó, chờ đợi những vị khách cuối cùng đến tận 21h, 22h với hy vọng bán thêm được đôi ba đồng.
Ngày hôm nay, tôi lại đi qua con đường này. Tôi đã trưởng thành, có thể tự lao động kiếm tiền, xách xe máy lượn lờ khắp phố xá. Không còn ướt đẫm mồ hôi bởi những cuốc xe đạp như ngày nào. Tôi khác, mọi thứ đều khác, riêng cụ và gánh chuối ngày xưa vẫn vậy, không thay đổi.
Tôi quay ngược đầu xe, tấp vào vệ đường mua một nải chuối. Ở tuổi 84, bàn tay nhăn nhúm đầy tàn nhang ấy vẫn nhanh nhẹn cầm dao cắt tách buồng chuối. Gương mặt và ánh mắt cụ đã sâu hơn, nếp nhăn cũng nhiều hơn. Có lẽ nhiều người sẽ nói đây là dấu hiệu tuổi già, nhưng với tôi đó là màu của thời gian, là nét đẹp quá khứ. Người có nhiều nếp nhăn luôn là người ôm nhiều ký ức của người khác.
Mỗi lần có khách ghé thăm, mệ lại kể những câu chuyện vui, nói về vẻ đẹp Huế. Người dân tỉnh khác đến du lịch vô tình thêm yêu Huế qua những câu chuyện mệ kể.
Dù thời gian trôi đi, cuộc sống bộn bề, trong ký ức tôi, hình ảnh người phụ nữ tần tảo ấy vẫn không phai nhạt. Hình ảnh nét đẹp lao động và tâm hồn ấy còn khắc sâu trong tâm trí nhiều người khác. Để biết rằng, tôi, những thế hệ trước tôi, lứa đàn em sau đã cùng cụ đi qua khoảng thời gian đẹp, dù đôi lúc có những nhọc nhằn.
Ngọc Trân
Du khách có thể tìm hiểu những câu chuyện đẹp về Huế, tham quan danh thắng, thưởng thức ẩm thực Huế khi tham gia giải VnExpress Marathon Huế 2020 - lần đầu tổ chức ở cố đô. Runner có cơ hội chạy qua nhiều địa danh nổi tiếng như sông Hương, lăng tẩm cổ kính. Giải dự kiến thu hút khoảng 5.000 vận động viên, trong đó hơn 30% là người nước ngoài. Xem thông tin chi tiết tại đây. |