Trưa tháng 11, đang cao điểm dịch bệnh các ngõ đường vào xã Xuân Đông được bố trí 4 chốt kiểm soát, mỗi chốt cử 3, 4 cán bộ túc trực ngày đêm. Ngoài ra, hai bến đò qua xã dù không có chốt kiểm dịch, nhưng địa phương đã yêu cầu chủ bến cam kết không chở lợn (heo) ra vào địa phương.
"Xe chở gia súc, gia cầm lẫn thức ăn chăn nuôi đều bị chặn lại kiểm tra, phun xịt thuốc khử trùng mới được qua trạm", cán bộ thú y tại chốt lý giải.
Tại khu vực ấp Tân Ninh, đầu giờ chiều đoàn cán bộ xã mang dụng cụ bảo hộ đang tiến hành lập biên bản cân trọng lượng tổng đàn lợn tại nhà dân. Đây là đàn thứ 6 trong ngày 22/11 họ phải tiêu hủy do có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Đứng nhìn bầy lợn 8 con lần lượt bị ném vào lửa, bà Bùi Thị Hy, 48 tuổi, không khỏi ngậm ngùi. Bà Hy nuôi lợn đã hơn 20 năm, gần 10 năm trước, đàn lợn gần trăm con bị dịch tai xanh, gia đình bà thua lỗ khoảng 500 triệu đồng đến nay chưa trả dứt. Sau một thời gian bỏ không chuồng, vài năm gần đây bà Hy mới dám gầy lại đàn lợn.
Theo chủ nhà, đàn lợn gần 60 con mỗi ngày tiền thức ăn hơn một triệu đồng. Gia đình bà Hy dự định sau khi xuất bán sẽ dành phí trả một phần nợ cũ, tiền thức ăn, con giống, còn lại trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con đang học năm nhất đại học.
Tuy nhiên, khi còn hơn một tháng nữa xuất chuồng, trên địa bàn bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, nhiều người nuôi phải bán tháo giá rẻ. Lo ngại dịch lây lan, bà Hy giục chồng mua thuốc tiêm ngừa nhưng vẫn không hiệu quả. Khoảng một tuần trước, đàn lợn bắt đầu nhiễm bệnh bỏ ăn, gần 30 con sau đó phải bị tiêu hủy. Gia đình hiện chỉ biết hy vọng vào đàn lợn còn lại gần 20 con, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi thứ giờ đều không chắc chắn.
"Nợ cũ khoảng 300 triệu đồng, cộng thêm khoảng 100 triệu tổn thất lần này, chắc thời gian tới tui với ổng hết vốn liếng phải đi bán vé số nuôi con", bà Hy buồn rầu nói.
Cách đó 3 km, ông Lê Văn Hiếu có 7 con lợn, tổng trọng lượng gần 400 kg cũng vừa bị tiêu hủy. Cầm trên tay biên nhận, ông Hiếu lý giải theo quy định nhà nước sẽ hỗ trợ cho người nuôi 38.000 đồng mỗi ký lợn bị tiêu hủy. Hai vợ chồng ông làm bánh cốm bán, dành dụm tiền gầy dựng đàn lợn. Sau dịch bệnh, gia đình chỉ còn lại 2 con nái, vụ này thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông thông tin, địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn, giai đoạn cao điểm đàn trên 55.000 con. Sau nhiều đợt dịch bệnh, hộ chăn nuôi thua lỗ số lượng đàn vì vậy giảm xuống còn khoảng 10.000 con.
Một tháng trước, dịch bệnh bắt đầu bùng phát chưa rõ nguồn lây, xã Xuân Đông là điểm nóng dịch khi có số ca nhiễm lớn, chiếm phân nửa số ca toàn tỉnh, phải công bố dịch hơn một tuần trước. Có hơn 1.000 con lợn của 40 hộ dân bị tiêu hủy, người nuôi lo ngại bán tháo để giảm thiệt hại, nên hiện tổng đàn chỉ còn hơn 6.000 con. Địa phương này đang hỗ trợ người dân phun xịt khử trùng chuồng trại, thu gom nước thải hạn chế lây lan sang các khu vực khác.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh có tổng đàn lợn 300.000 con. Ngoài các huyện Tân Phú Đông, Cai Lậy và thị xã Gò Công, hiện 8 huyện thị còn lại đều đã có dịch tổng số hơn 2.000 con, trong đó phân nửa đã được tiêu hủy.
Ngành thú y nhận định việc nhập heo, vật tư, nguồn nước bị nhiễm bệnh, lợn chưa tiêm vaccine có thể là nguyên nhân gây bùng phát dịch. Để hạn chế lây lan, ngành thú y khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nên cho nhân viên ăn, ngủ tại chỗ, chủ trại nên lùa heo ra ngoài và để thương lái xem mua qua camera thay vì đến trực tiếp.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện lần đầu tại châu Phi năm 1921, với tỷ lệ chết 100%. Đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus dịch tả và phát triển vaccine của các nhà khoa học được công bố, tuy nhiên chưa có vaccine thương mại phòng dịch. Tại Việt Nam, dịch này bùng phát từ 4 năm trước. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 522 ổ dịch tại 44 tỉnh, thành, gần 24.000 con lợn bị nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Tên thương mại của vaccine là Navet-Asfvac do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất. Vaccine Navet-Asfvac có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm và trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được trên 80% số lợn với thời gian miễn dịch 6 tháng sau tiêm phòng.
Hoàng Nam