Chiều cuối tháng Chạp, anh Huỳnh Thế Huỳnh, 42 tuổi, nhân viên sở thú tất bật cắt nhỏ từng tảng thịt bò lớn, đùi gà bỏ vào hộp inox chia 4 hổ trắng đang được nuôi ở Thảo Cầm Viên. Trước khi cho chúa sơn lâm dùng bữa, anh Huỳnh dọn vệ sinh chuồng cọp ở giữa sở thú. Bên trong chuồng rộng hơn 200 m2 là 2 chuồng ép rộng chừng 10 m2 để nhốt hổ. Đứng sau cánh cửa nhỏ ở chuồng ép, anh Huỳnh hô to liên tục: "đực, cái". Đực và Cái là tên của hai con hổ trắng được đặt từ lúc mới sinh ra.
Nghe âm thanh quen thuộc, hai con hổ 7 tuổi có bộ lông trắng ngần xen lẫn vằn màu đen, dài hơn 2 m, nặng 200 kg đang đứng từ xa vội chạy lại gần, chui mình qua ô vuông nhỏ để vào trong. Khi chúng đã ở trong chuồng ép, anh Huỳnh kéo dây ròng rọc khoá cửa trước khi vào quét dọn khu hổ sống.
Nam nhân viên sở thú giáng mắt nhìn vào từng thân cây sọ khỉ, tường bê tông để soi vết cào mới. Đây là cách để theo dõi bộ móng vuốt và tâm lý của chúng. Theo tập tính, hổ sống ở tự nhiên thường cào móng vuốt vào thân cây hay nền đất để móng nhọn dễ săn mồi, nhưng khi sống ở trong môi trường nuôi nhốt chúng thường bỏ qua hành động này.
"Hổ làm biếng mài móng, lâu ngày bộ vuốt dài sẽ đâm vào chân của nó gây thương tích, có khi phải phẫu thuật", anh Huỳnh nói. Để tạo thói quen này, trong chuồng hổ thường đặt các khúc cây như "món đồ chơi" để hổ cào cấu, không bị ù lì.
So với hổ có màu da cam thông thường, hổ trắng lúc mới sinh và trưởng thành kích thước lớn hơn. Chúng là một biến thể gen của loài hổ Bengal màu cam nổi tiếng. Hổ con Bengal chào đời chỉ có màu trắng khi cả bố và mẹ đều mang gen hiếm và tỷ lệ trong tự nhiên là 1/10.000 ca sinh.
Sau khi quét dọn chuồng cọp, anh Huỳnh lấy ống nhựa có đục lỗ nhét từng mảng thịt vào bên trong rồi treo lên dây thừng cách mặt đất hai mét để tạo cảm giác săn mồi cho hổ. Mỗi ngày, một con sẽ ăn 5 kg thịt gồm trâu, gà, bò, heo được thay đổi theo khẩu vị. Khi mọi thứ được chuẩn bị xong, anh vào bên trong chuồng ép từ từ kéo ròng rọc mở cửa cho hổ ra ngoài dùng bữa.
Nghe mùi thịt, chú hổ đực to lớn đứng trên bệ đá, rướn thân mình với bộ hàm khoẻ, vồ lấy thức ăn trong khi hổ cái đi xung quanh chuồng chờ đến lượt. Thấy anh Huỳnh đứng sát lớp kính chống đạn dày chừng một cm bao quanh chuồng, hổ cái chậm tiến lại gần rồi đi tới lui nhiều vòng vì đã "quen hơi" với người nuôi dưỡng.
Trước khi nhận việc chăm sóc loài thú hung dữ nhất ở sở thú, anh Huỳnh phải trải qua quá trình huấn huyện gần nửa năm. Song lần đầu tiên bước vào chuồng, nghe tiếng hổ gầm khiến anh sợ hãi "mất ăn mất ngủ", xin nghỉ việc. "Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi hơn 3 năm nuôi hổ", anh Huỳnh nói. Khác với những loài động vật có thể tiếp cận đụng chạm vào cơ thể, để huấn luyện hổ biết nghe lời, người nuôi phải tạo cho chúng các phản xạ có điều kiện như: nghe tiếng mở cửa, tiếng gọi tên là biết chạy vô chuồng để được cho ăn.
Trong số 4 con hổ trắng, có hai trong con được sinh ra tại sở thú. Năm 2015, cặp hổ trắng tên Lem và Luốc đã đẻ 3 con hổ con nặng từ 3,6-4,1kg. Là người chăm sóc chúng từ lúc lọt lòng tới nay, chị Nguyễn Phạm Minh Phương, Tổ trưởng tổ thú dữ được coi là "bà vú" của bầy hổ. Hàng ngày, chị phải quan sát màu lông, da, cơ bắp của chúng để đoán bệnh. Song song với các bữa ăn, hổ còn được bổ sung các loại vitamin A, B, D và E để lông đẹp, cơ bắp săn chắc.
Hơn chục năm nuôi chúa sơn lâm, lần chị nhớ nhất khi được chạm vào da thịt của con hổ bị thương ở chân vài năm trước. Con hổ nặng gần 200 kg bị móng vuốt dài đâm vào chân gây hoại tử khiến các nhân viên phải gây mê để cắt bớt móng chân. "Khi tôi đang cắt móng, con hổ cứ gầm gừ khiến tôi vừa làm vừa lo sợ không biết nó sẽ tỉnh dậy lúc nào", chị kể. Theo chị Phương, hổ là loài có sức đề kháng mạnh, ít khi bị bệnh nên quá trình chăm sóc không tốn nhiều công sức.
Bạch hổ nằm trong tứ tượng cùng với: Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ, là sinh vật thần thoại có ý nghĩa tâm linh và tôn giáo phổ biến ở các quốc gia trong vùng văn hoá Đông Á. Trong 12 con Giáp, hổ ứng với tuổi Dần tượng trưng cho sức mạnh và sự uy linh, chống lại tà ma. Hiện, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên xếp hổ vào nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đình Văn